Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy là người Việt Nam đầu tiên sắm máy bay riêng. Chiếc máy bay này là một phần khá hấp dẫn trong chuỗi những sự kiện ăn chơi nổi tiếng của Trần Trinh Huy.
Máy bay giá 100 kg vàng
Tiếp nhận chuyện quản lý gia sản với cánh đồng cò bay thẳng cánh, Trần Trinh Huy (biệt danh Ba Huy) đã thuyết phục ông Hội đồng Trạch mua máy bay để... "đi thăm ruộng". Ba Huy đã đánh dây thép kêu tài xế chở ông Hội đồng Trạch từ Bạc Liêu lên Sài Gòn để đích thân Ba Huy lái máy bay đưa cha trở về Bạc Liêu.
Nhiều tư liệu kể lại, Ba Huy mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng, như thể đi lễ hội. Nhìn Ba Huy cho máy bay chạy "như bay" trên đường băng Tân Sơn Nhất, rồi nhấc mình khỏi mặt đất, ông Hội đồng Trạch rất sợ. Đến khi máy bay lấy độ cao, thăng bằng trở lại, ông mới dám mở mắt. Lần đầu tiên được "bay", ông Hội đồng Trạch vừa mừng vừa lo, không biết thằng con có bay được về tới Bạc Liêu không. Ba Huy chưa vội trực chỉ hướng Nam, mà cho máy bay lượn một vòng quanh thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và chỉ cho ông Hội đồng Trạch đâu là sông Sài Gòn, đâu là Chợ Lớn... Từ trên mây nhìn xuống đất, ông Hội đồng Trạch không chớp mắt, ra chiều thích thú. Thường thì Ba Huy bay một mình, nói là thăm ruộng nhưng chủ yếu là để thỏa cái thú ăn chơi. Thỉnh thoảng Ba Huy cũng lái máy bay đưa ông Hội đồng Trạch đi thăm các sở ruộng ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng.
Chiếc máy bay Morane, loại mà Công tử Bạc Liêu đã mua thuộc hạng tối tân nhất trong các dòng máy bay nhỏ của Pháp thời bấy giờẢnh: TƯ LIỆU
Những người biết chuyện cho rằng chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu là loại máy bay 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi, đã được Ba Huy ký với hãng cung cấp máy bay của Pháp. Theo một vài nguồn thông tin, giá trị hợp đồng lên đến vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100 kg vàng.
Khi máy bay chưa về tới Sài Gòn, ngày 24-6-1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân Công tử Bạc Liêu mua máy bay với tít lớn ở trang nhất: "M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau" (Ông điền chủ Trần Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau). Hình ảnh Công tử Bạc Liêu và chiếc máy bay xuất hiện trang trọng trên trang nhất của nhiều tờ báo hồi đó.
Nhiều người kể lại, có lần Ba Huy đi thăm ruộng ở Cà Mau bằng máy bay. Cao hứng, Công tử Bạc Liêu nói anh phi công để mình lái. Do không rành đường bay cũng như các kỹ thuật lái máy bay nên Công tử Bạc Liêu bay sang tận Thái Lan. Định quay về, nhưng máy bay hết xăng đành đáp xuống nước bạn. Ba Huy cùng phi cơ bị câu lưu tại Thái Lan, buộc ông hội đồng phải chở 3 chiếc ghe loại lớn đầy lúa qua tận đất Thái chuộc Ba Huy và máy bay về. Ước tính số tiền nộp phạt khoảng vài ngàn đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10 kg vàng.
Sự ra đời của sân bay Tân Sơn Nhất
Tân Sơn Nhất trước năm 1919 vốn là tên một ngôi làng nằm trên gò đất cao ráo phía Bắc Sài Gòn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá, lập nên đất Sài Gòn - Gia Định. Làng thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và giáp các thôn Tân Sơn Nhì, Hạnh Thông Tây, Phú Nhuận... (nay đều thuộc TP HCM). Đến năm 1920, khi thành lập phi đội Nam kỳ, Pháp lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhất để xây dựng sân bay và lấy tên làng đặt luôn cho sân bay. Phần đất còn lại của làng quá hẹp nên hợp với làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.
Ban đầu sân bay Tân Sơn Nhất làm nền đất, có một đường băng, xung quanh trồng cỏ chỉ. Năm 1921 tuyến bay thẳng Hà Nội - Sài Gòn đầu tiên được khai trương, một lượt bay mất 8 giờ 30 phút.
Năm 1930, Sài Gòn muốn mở rộng sân bay phục vụ mục đích dân sự nhưng giá đất xung quanh sân bay đã cao vọt lên, không đủ ngân sách để bồi thường. Chính quyền lúc đó nghĩ tới việc tìm ở Cát Lái thuộc Thủ Đức một khu đất vuông mỗi chiều 1.400 m để xây sân bay khác. Song gặp lúc khủng hoảng kinh tế thế giới nên việc làm sân bay mới phải hủy bỏ, tập trung cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Cuối năm 1933, chuyến bay quốc tế đầu tiên của Hãng Hàng không Pháp (Air France) bay tuyến Paris - Sài Gòn (hồi đó không bay đêm) mất đúng một tuần mới hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. Sau đó, nhiều tuyến bay quốc tế khác được mở. Đến năm 1937, toàn quyền Đông Dương cho thành lập Sở Hàng không dân dụng Đông Dương thay thế cho Sở Hàng không dân sự, để lo việc khai thác các chuyến bay.
Năm 1930, sân bay Nha Trang được khởi công xây dựng, đến năm 1935 thì hoàn tất và đem vào sử dụng với đường băng dài khoảng 1.050 m, đường lưu không có hướng bay gần Đông Bắc - Tây Nam. Trong thời gian này, loại máy bay được thực dân Pháp sử dụng nhiều là máy bay cánh quạt. Chủ yếu để chở người, các viên chức sĩ quan Pháp, vận chuyển thư từ. Nhu cầu quân sự rất ít, tuy nhiên, sân bay Nha Trang là một trong những sân bay loại lớn của người Pháp xây dựng ở Việt Nam lúc đó.
Sân bay quốc tế Phú Bài được xây dựng từ thời Pháp, sân bay này không chỉ nhằm phục vụ các công việc liên quan đến kinh thành Huế mà sau đó còn cho mục đích quân sự của Pháp.
Trục vớt máy bay bị nạn
Ngày 26-4-2014, người dân Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) tiến hành trục vớt chiếc máy bay được cho là của Pháp bị rơi hồi đầu thế kỷ XX. Chiếc máy bay được tìm thấy ở khu vực bãi biển thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), nằm ở độ sâu từ 3 đến 6 m. Chiếc máy bay được xác định có chiều dài từ buồng lái đến đuôi là 12 m, với sải cánh rộng 15 m. Giới chuyên môn khi quan sát chi tiết càng đáp còn sót lại cho rằng đó có thể là chiếc C-47 Dakota, loại máy bay vận tải được quân đội Pháp sử dụng phổ biến trên chiến trường Đông Dương ở thời điểm bấy giờ. Mặc dù nằm dưới lòng đất đã lâu nhưng nhiều bộ phận của máy bay vẫn còn khá nguyên vẹn.
Bình luận (0)