Ngày 4-7, 5 ngư dân ở tỉnh Bình Định đóng tàu vỏ thép tại Công ty Đại Nguyên Dương cho biết sau khi khắc phục, sửa chữa tàu xong, họ sẽ gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về việc Công ty Đại Nguyên Dương có hành vi lừa đảo.
Biên bản thỏa thuận và cam kết thực hiện
Theo các ngư dân trên, năm 2015, sau khi được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đủ điều kiện đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/CP, họ bất ngờ tiếp những vị khách "không mời mà đến" từ Công ty Nguyên Dương. Qua các buổi tiếp xúc, người của doanh nghiệp này hứa tặng 650 triệu đồng cho ngư dân để chi phí chuyến biển đầu tiên nếu ký hợp đồng đóng tàu với họ. Tưởng thật, 5 ngư dân (2 người ở huyện Phù Cát và 3 người ở huyện Phù Mỹ) đồng ý nhận tiền "hỗ trợ" và ký hợp đồng đóng tàu.
Nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bị gỉ sét nặng
Sau khi nhận tiền xong, người của Công ty Đại Nguyên Dương đưa ra tờ giấy vay tiền, bảo ngư dân ký vào. Ngư dân thắc mắc vì sao nói tiền hỗ trợ nhưng lại ký giấy vay mượn thì người của Công ty Đại Nguyên Dương bảo rằng sau khi ký hợp đồng đóng tàu xong và ngân hàng giải ngân thì tờ giấy vay tiền này sẽ được hủy.
Giữa năm 2016, sau khi tàu hoàn thành, 5 ngư dân ra tỉnh Nam Định nhận tàu. Thế nhưng tại đây, các ngư dân đã bị người của Công ty Đại Nguyên Dương đe dọa, bắt ký "Biên bản thỏa thuận vào cam kết thực hiện".
Cụ thể, tờ giấy do Công ty Đại Nguyên Dương buộc ngư dân ký có nội dung nói rằng do không có tiền nên đã vay của công ty này 650 triệu đồng để tham gia vốn đối ứng 5% đóng tàu. Tuy nhiên, vì không thu xếp được nguồn vốn trả nợ công ty nên ngư dân yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương cắt giảm một số chi phí và hạng mục lắp đặt trên tàu. Sau này, khi có điều kiện, ngư dân sẽ tự nâng cấp các hạng mục theo mong muốn để hoạt động tốt hơn. Ngư dân cam kết với các thỏa thuận trên và không có bất kỳ yêu cầu hay khiếu nại nào. Sau khi ký vào biên bản này, 2 bên thống nhất xóa số nợ 650 triệu đồng cho ngư dân. Hai bên cam kết thực hiện những thỏa thuận trên, nếu thực hiện sai, ngư dân chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận tàu doanh nghiệp mình đóng có chất lượng kém như kết luận của tỉnh Bình Định
"Khi ông Nguyên bất ngờ đòi tiền rồi đưa tờ giấy bắt ký, tôi nghĩ ngay là mình đã bị Công ty Đại Nguyên Dương lừa vào bẫy. Tuy nhiên, lúc đó đang trong tình huống bị đe dọa bởi xung quanh mình toàn dân anh chị xã hội đen nên tôi buộc phải ký vào tờ giấy cam kết đó", một trong 5 ngư dân trên bức xúc.
Theo kết luận của UBND tỉnh Bình Định, từ tháng 4 đến nay có 18 tàu vỏ thép trên địa bàn vừa đóng mới theo Nghị định 67/CP đã hư hỏng, không hoạt động được. Trong đó, có 13 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng) đóng và 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng. Theo kết quả kiểm tra thẩm định chất lượng tàu vỏ thép cho thấy 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, hiện phần lớn thân, vỏ bị xuống cấp, gỉ sét nghiêm trọng. Tất cả các tàu đều đóng bằng thép Trung Quốc nhưng biên bản xác nhận khối lượng và thanh toán tiền ghi là thép Hàn Quốc. Trong đó, có 3 tàu sử dụng thép không đạt quy chuẩn. Riêng 13 tàu do Công ty Nam Triệu đóng, có 3 tàu dùng thép không đạt quy chuẩn và 9 tàu lắp ráp động cơ được cho là máy thủy chính hãng Mitsubishi (Nhật Bản) nhưng thực tế đây là "máy đểu".
Ngoài ra, không ít bộ phận, thiết bị khác của 18 tàu vỏ thép trên cũng có "vấn đề", như máy đo sâu dò ngang bị hỏng; bóng đèn cao áp được lắp ráp không đúng như hợp đồng; nhiều hầm bảo quản đọng nước, giữ nhiệt kém... Tại buổi làm việc mới đây, 2 cơ sở đóng tàu trên đã cam kết khắc phục, sửa chữa tàu hư hỏng để ngư dân sớm ra khơi.
Bình luận (0)