Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh này có 46 tàu cá được đóng hoàn tất theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67), gồm 23 tàu vỏ thép và 23 tàu gỗ. Tuy nhiên, mới ra khơi chưa được bao lâu thì 15 tàu vỏ thép đã bị hư hỏng.
Ra khơi là... hỏng
Tại khu vực sửa chữa tàu cá thuộc xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tàu vỏ thép số hiệu TH-91709 TS, công suất 811 CV đang nằm sửa chữa. Đây là tàu cá của ngư dân Lê Văn Lực (ngụ thôn 9, xã Hoằng Trường). "Tàu hạ thủy được hơn 4 tháng, ra khơi được 10 chuyến nhưng lần nào cũng trục trặc, hư hỏng. Có lần thì hỏng máy phát điện, gãy sào; có lần trục trặc máy cẩu, tời… " - ông Lực nói.
Tàu của ông Nguyễn Duy Muộn (phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) ra khơi 8 lần thì đều bị hư hỏng Ảnh: TUẤN MINH
Ở xã Hoằng Trường có 4 ngư dân được vay tiền đóng tàu vỏ thép thì 3 tàu thường xuyên bị hỏng. Tàu của ông Lực trị giá trên 15 tỉ đồng, trong đó tiền vay ngân hàng hơn 14 tỉ đồng. Tàu này do Công ty TNHH Đóng tàu Đại Nguyên Dương (Công ty Đại Nguyên Dương ở Nam Định) đóng. Ngoài việc đi biển thường xuyên gặp trục trặc, tàu của ông Lực còn bị hoen gỉ thân và một số bộ phận mà theo ông Lực, nguyên nhân là do sơn kém chất lượng. Còn tại TP Sầm Sơn, có 7 tàu vỏ thép được hạ thủy thì 4 tàu thường xuyên "giở chứng" trên biển khiến chủ tàu phải liên tục cập bờ sửa chữa. Trong số này có tàu của ông Nguyễn Duy Muộn (ngụ phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn) bị hư hỏng nặng.
Gia đình ông Trần Văn Liên (ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cũng lao đao hơn 1 năm nay khi cả gia sản là con tàu vỏ thép trị giá gần 17 tỉ đồng phải nằm bờ ngay từ lúc hạ thủy vì hỏng máy chính. Tàu này do Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đóng. Máy chính do Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Liên Á (trụ sở tại Hà Nội) cung cấp. Ông Liên đã khởi kiện 2 công ty này nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa được giải quyết.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, khẳng định sau khi có thông tin tàu hư hỏng, đã cho kiểm tra. "Qua kiểm tra, rà soát, chúng tôi được biết các chủ tàu đã gặp đơn vị đóng tàu, xử lý các sự cố và hầu hết các tàu này đều được khắc phục" - ông Cường nói. Tuy nhiên, câu trả lời của ông Cường trái ngược với những gì phóng viên ghi nhận từ thực tế vì tàu ông Lực và ông Muộn vẫn đang nằm bờ để sửa chữa.
Làm rõ trách nhiệm Công ty Nam Triệu
Đối với vụ tàu vỏ thép bị hỏng ở Bình Định, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, xác nhận đã mời lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Công ty Nam Triệu, trụ sở TP Hải Phòng) cùng 17 ngư dân có tàu hỏng vào chiều 30-6 đến bàn chuyện khắc phục. Tại buổi làm việc này, các bên sẽ thống nhất thời gian, phương án khắc phục cụ thể đối với từng tàu dựa trên kết luận của tổ thẩm định.
Hiện Công ty Nam Triệu đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định về việc chuẩn bị 11 máy chính thủy mới Mitsubishi để thay thế cho các tàu bị lắp máy không đúng hợp đồng. Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, cũng xác nhận sẽ tham dự buổi làm việc nói trên.
Tại cuộc họp báo ngày 28-6 do Bộ Công an tổ chức, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), cho biết thực hiện chương trình đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay đã đóng được 557 tàu thì chỉ phát hiện 18 tàu ở Bình Định có vấn đề chất lượng và có sai phạm ở 2 doanh nghiệp đóng tàu. "Tổng cục Cảnh sát đã nắm tình hình và giao Công an tỉnh Bình Định làm rõ vụ việc, đồng thời hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu cá" - ông Tuyến nói.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Dư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an), cho biết đã chỉ đạo thanh tra, làm rõ trách nhiệm của Công ty Nam Triệu (trực thuộc Bộ Công an) là đơn vị đóng 20 tàu vỏ thép cho ngư dân tỉnh Bình Định. "Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật đã yêu cầu thanh tra toàn bộ quá trình đóng tàu. Tinh thần là phát hiện sai phạm, khuyết điểm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật" - ông Dư khẳng định.
Hải Phòng: Nhiều cơ sở không đủ điều kiện đóng tàu
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT TP Hải Phòng, địa phương này có 21 cơ sở đóng tàu cá đã được công bố đủ điều kiện theo Nghị định 67. Thế nhưng, qua kiểm tra cho thấy 4 cơ sở hoạt động không hiệu quả nên cho rút khỏi danh sách các cơ sở đủ điều kiện hoạt động. Tám cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nên cơ quan chức năng yêu cầu phải nhanh chóng hoàn thiện theo quy định hiện hành.
Bình luận (0)