Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an đang mở rộng điều tra, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ xả súng làm 3 người chết, 16 người bị thương xảy ra ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vào ngày 23-10.
Ép dân di dời
Trong vụ việc này, theo các tài liệu điều tra mà Báo Người Lao Động có được, chính nhờ sự ưu ái của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nên Công ty TNHH Long Sơn (Công ty Long Sơn) mới ỷ thế làm càn, dẫn đến xung đột với người dân.
Hiện trường một phần rẫy điều bị Công ty TNHH Long Sơn tàn phá dẫn đến vụ xả súng
Tháng 2-2008, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định 241/QĐ-UBND cho phép Công ty Long Sơn thuê 1.079 ha đất và rừng tại Tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) để đầu tư dự án nông lâm nghiệp cũng như quản lý, bảo vệ rừng. Quyết định nêu rõ: “Công ty Long Sơn phối hợp với chính quyền địa phương thỏa thuận, hỗ trợ thiệt hại đối với các hộ dân đang sử dụng đất và công ty chỉ được sử dụng diện tích đất trên để thực hiện dự án khi được sự chấp thuận của chủ sử dụng đất cũ”.
Vậy nhưng, khi chưa được đền bù, ngày 27-3-2008, Công ty Long Sơn ra thông báo yêu cầu các hộ dân đang canh tác trong quy hoạch của tỉnh dừng ngay mọi hoạt động, cấm tiếp tục canh tác, xâm lấn và di chuyển toàn bộ ra khỏi khu vực đã được thông báo. Ai không chấp hành sẽ bị xử lý theo pháp luật về tội phá rừng (!?).
Không chỉ Công ty Long Sơn làm càn mà chính quyền cấp xã, cơ quan công an cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu người dân rời bỏ nhà cửa, đất đai. Cụ thể, năm 2009, UBND xã Đắk Ngo ra thông báo cho rằng từ ngày 4 đến 12-6-2009, tổ công tác huyện Tuy Đức kiểm tra tình hình xâm canh ở Tiểu khu 1535, phát hiện tại lâm phận của Công ty Long Sơn có 88 hộ dựng nhà, lán trại và trồng cây trái phép. Do đó, UBND xã Đắk Ngo yêu cầu các hộ dân phải tự tháo dỡ, di dời lán trại ra khỏi khu vực cũng như phá bỏ cây trồng trái phép, trước ngày 22-6-2009.
Khi việc đền bù, hỗ trợ người dân chưa xong, vào tháng 12-2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông có văn bản yêu cầu các hộ dân sinh sống, sản xuất trên địa bàn xã Đắk Ngo và xã Quảng Trực dỡ bỏ toàn bộ vật kiến trúc trên đất, khôi phục lại tình trạng ban đầu và tự nguyện trả lại đất cho cơ quan chức năng. Hết thời hạn quy định, nếu không chấp hành sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Xung đột khó tránh
Theo tài liệu mà chúng tôi vừa có được, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức đã có kết luận điều tra vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra vào ngày 21-2-2016 đối với bị can Bàn Văn Lợi (SN 1995; ngụ xã Quảng Trực). Đây là vụ án mà cơ quan điều tra kết luận Lợi (đã bị tạm giam 3 tháng) gây thương tích 8% cho ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phó Giám đốc Công ty Long Sơn.
Theo kết luận điều tra, ngày 21-2-2016, Lợi được một người tên là Lâm gọi điện thoại báo tin với nội dung: “Người của Công ty Long Sơn đang cướp điều của anh. Nhờ chú đến đánh lại”. Trên đường đến rẫy của ông Lâm, Lợi rủ thêm một số người khác. Lợi nhặt một đoạn gậy gỗ, đuổi đánh nhóm người của Công ty Long Sơn. Khi Lợi và nhóm người không đuổi nữa thì nhóm người của Công ty Long Sơn đứng lại và gọi cho ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu. Lúc ông Sửu tới, Lợi dùng gậy gỗ đánh 3 phát lên người khiến ông này bị thương tích 8%.
Theo bà Bàn Thị Vân (chị của Lợi), Lợi bị tâm thần từ nhỏ. Khi nhóm nhân viên của Công ty Long Sơn ngang nhiên “lượm điều” của ông Lâm và được nhờ can thiệp thì Lợi đồng ý. Do có rất nhiều nhân viên công ty nên Lợi đã nhặt 1 cành cây để tự vệ và trong lúc xô xát đã đánh ông Sửu. “Thương tích của ông Sửu không lớn, em tôi lại bị tâm thần nên cứ nghĩ rằng mọi việc đã xong. Ai ngờ mới đây cơ quan điều tra đã phục hồi điều tra và đề nghị truy tố em tôi” - bà Vân nói.
Kể từ khi Công ty Long Sơn được giao đất đến khi vụ xả súng xảy ra, giữa người dân và công ty này thường xuyên xảy ra tranh chấp, xung đột dẫn đến hàng chục người phạm tội. Đến nay có 8 nhân viên của Công ty Long Sơn bị truy tố vì đánh 1 người dân thương tật 90%; ít nhất 10 người dân bị truy tố, trong đó 5 người đã bị xét xử vì đã hủy hoại lán, bạt, xoong, nồi, tách, muỗng, nĩa, đũa… của Công ty Long Sơn với tổng thiệt hại 30 triệu đồng.
Ra văn bản sai thẩm quyền
Liên quan đến văn bản năm 2014 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông yêu cầu các hộ dân dỡ bỏ vật kiến trúc, tự nguyện trả lại đất, luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng văn bản trên ban hành không đúng thẩm quyền, từ đó doanh nghiệp dễ lợi dụng. Chưa kể, văn bản này trái với quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Đắk Nông là yêu cầu Công ty Long Sơn phối hợp với chính quyền địa phương thỏa thuận, hỗ trợ thiệt hại đối với các hộ dân chứ không phải tự bỏ đi tài sản của mình.
Bình luận (0)