Chỉ khoảng 20 ngày trở lại đây, tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu xuất hiện đến 5 ổ dịch cúm gia cầm, với 4.500 con gà nhiễm bệnh bị tiêu hủy.
Trong đó, ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào ngày 26-1, trên đàn gà 2.700 con của ông Võ Thanh Tùng (ngụ ấp Vĩnh Phú A, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long). Đáng nói là sau khi gà nhiễm bệnh, ông Tùng có một số dấu hiệu của bệnh cúm A/H5N1 nên ngành y tế áp dụng biện pháp cách ly ông và các thành viên trong gia đình. Rất may là các xét nghiệm sau đó cho kết quả âm tính.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chỉ đạo chính quyền địa phương, ngành chức năng tích cực nắm chắc tình hình và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, khoanh vùng kiểm soát để ngăn chặn dịch ngay từ đầu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, ngày 13-2, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại trại nuôi vịt trời với hơn 800 con. Chủ nhân của trại này là ông Văn Thành Long, ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân. Kết quả xác minh cho thấy trước đó khoảng 5 ngày, đàn vịt trời của ông Long có dấu hiệu bị nhiễm bệnh và đã có gần 240 con chết. Ngay sau khi xác định đàn vịt trời này dương tính với cúm A (H5N1), các lực lượng chức năng huyện Phú Tân tiến hành tiêu hủy toàn bộ và tiêu độc khử trùng cơ sở nuôi để tránh lây lan. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cũng đã xuất 5.800 liều vắc-xin cúm từ quỹ dự phòng tiến hành tiêm bao vây đàn gia cầm trong toàn xã Tân Trung và xã lân cận Phú Hưng (huyện Phú Tân) cho 2.895 con gia cầm của 5 hộ nuôi.
Hiện nông dân ở các tỉnh, thành ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân, nhất là trên tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Nguy cơ nhiễm virus cúm gia cầm có độc lực cao từ nước này rất khó tránh khỏi nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, cho hay qua kiểm tra gia cầm sống ở các chợ, lực lượng chức năng phát hiện có nhiễm virus với tỉ lệ tương đối cao, từ 10%-15%. Tất cả gia cầm nhiễm virus này được xác định là do người nuôi dạng nhỏ lẻ nên không thực hiện tiêm phòng theo quy định. “Chúng tôi thường xuyên đi lấy mẫu gia cầm xét nghiệm để có những cảnh báo kịp thời, đồng thời cử cán bộ giám sát chặt chẽ đối với những đàn vịt được nuôi thả ở các vùng giáp ranh Campuchia” - ông Hiền khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cũng khẳng định các lực lượng chức năng đang triển khai nhiều biện pháp để làm công tác ngăn chặn dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, nhất là tại những huyện có đàn vịt nuôi đồng số lượng lớn như Giồng Riềng, Tân Hiệp và Hòn Đất. “Sau khi biết được thông tin phía Campuchia có xuất hiện dịch cúm gia cầm mới, chúng tôi đã tăng cường lực lượng cùng với những thiết bị, máy móc, cơ số thuốc cần thiết để kịp thời dập dịch nếu có” - ông Tâm nhấn mạnh.
UBND TP Cần Thơ cũng vừa ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2017, chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Bình luận (0)