Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh ở TP Hà Nội, tình hình mua bán, giết mổ gia cầm đang diễn ra rất phổ biến. Điều đáng nói là các phương tiện phòng hộ cá nhân để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh từ gia cầm hoàn toàn không có.
Nhiều người bệnh chủ quan
Anh Trần Văn Tuấn, kinh doanh giết mổ gia cầm tại một “chợ cóc” ở quận Hoàng Mai, cho biết trước đây, nghe thông tin về cúm gia cầm cũng thấy sợ nhưng nhiều tháng qua không thấy cơ quan chức năng cảnh báo nên nghĩ bệnh này không còn. Hơn nữa, gà vịt đều của nhà nuôi mang đi bán thì chắc không phải lo gì.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết thường vào dịp cuối năm thời tiết lạnh ẩm, số bệnh nhân nhiễm cúm bao giờ cũng tăng hơn bình thường. Tại miền Bắc, thời gian qua dù không ghi nhận các trường hợp nhập viện do nhiễm cúm nhưng với thời tiết lạnh, ẩm như hiện nay rất thuận lợi cho virus cúm phát triển. Đây là bệnh rất thông thường với các triệu chứng: ho, sốt, đau đầu, đau mình. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ diễn tiến nặng, nhất là những người có sức đề kháng kém, mắc bệnh mạn tính, người già, phụ nữ có thai. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc hơn cả.
“Cúm mùa diễn biến nhẹ, chỉ khỏi sau 5-7 ngày nhưng không ít trường hợp bệnh nặng do virus cúm làm suy giảm hệ miễn dịch dẫn đến viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn. Một số khác do virus tấn công trực tiếp gây viêm phổi với tổn thương lan rộng nên diễn tiến suy hô hấp rất nhanh. Thậm chí, có trường hợp bị virus cúm tấn công gây viêm cơ tim nguy hiểm đến tính mạng” - bác sĩ Cấp nói và cho biết hằng năm, BV Bệnh nhiệt đới trung ương đều tiếp nhận các ca cúm A/H1N1 hoặc cúm B trong tình trạng suy hô hấp, phổi trắng xóa sau khi bị virus tấn công khiến bệnh nhân phải thở máy.
GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, cho biết ngoài các chủng cúm mùa thông thường như cúm A, B và C thì chủng cúm gây nguy hiểm nhất cho sức khỏe con người là cúm A/H5N1. Nhiều người vẫn gọi là cúm gia cầm vì xuất hiện ở gia cầm và lây sang người. Khi virus xâm nhập cơ thể người, chúng có thể tàn phá phổi.
Trước năm 2005, tỉ lệ tử vong do bệnh cúm có thể lên đến 80%. Với sự cố gắng của y học thế giới và trong nước, tỉ lệ này hiện còn khoảng 50%. “Để phân biệt cúm A/H5N1 hoặc H1N1, H3N2 với các thầy thuốc cũng không dễ. Các triệu chứng lâm sàng của cúm như sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan... hoàn toàn giống nhau và chỉ khác là nếu đến ngày thứ 2-3 mà bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở thì hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm máu, chụp CT phổi để xác định xem bệnh nhân có nhiễm cúm hay không. Nhiều người bệnh chủ quan, nghĩ là cảm cúm thông thường, đến khi cơ thể không chịu nổi mới tới BV thì lúc đó cơ thể đã bị virus tàn phá” - ông Bình cảnh báo.
Không được chủ quan
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 5%-10% người trưởng thành và 20%-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó khoảng 3-5 triệu người có tiến triển bệnh rất nặng và khoảng 250.000- 500.000 người tử vong vì các dấu hiệu rất thông thường. Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu ca cúm với các chủng cúm do virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và các chủng cúm thường luân phiên nhau. Từ đầu năm đến nay, chủng cúm mùa chủ yếu là A/H3N2 (44%), cúm B (43%) và cúm A/H1N1 (hơn 12%).
Theo PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh tồn tại quanh năm nhưng phát triển mạnh vào mùa đông. Nguyên nhân do thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, độ ẩm không khí thay đổi đột ngột khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo thuận lợi cho sự xâm nhập của virus cúm.
Ông Bình cho biết cúm là bệnh lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây lan. “Những người mắc bệnh mạn tính, bệnh phổi, chạy thận, đái tháo đường, người thường xuyên dùng thuốc corticoid hay người già, trẻ em... nguy cơ bị cúm cao nên vào khoảng tháng 8 hằng năm cần tiêm phòng cúm. Với người bình thường, không nhất thiết tất cả phải đi tiêm phòng cúm” - ông Bình khuyến cáo.
Giới chuyên môn cũng chỉ ra sai lầm của nhiều bệnh nhân bị cúm là dùng thuốc kháng sinh khi thấy có dấu hiệu sốt, sổ mũi, ho nhẹ vì nghĩ rằng mình bị viêm đường hô hấp. Người bệnh nên đến BV càng sớm càng tốt khi bị khó thở, sốt cao.
Virus cúm rất “sợ” ánh nắng
GS-TS Nguyễn Gia Bình cho biết do người dân làm việc trong các tòa nhà văn phòng khá nhiều nên khi có người bị bệnh cúm, nguyên tắc quan trọng là cần phải thông gió, có luồng khí vào và ra. Nếu bị cúm, người bệnh cần đeo khẩu trang và thông báo cho đồng nghiệp biết để phòng người bệnh ho, hắt hơi văng nước bọt đến người khác. Đây là những biện pháp rất đơn giản để phòng bệnh. Khi trong phòng kín, một người nhiễm virus cúm sẽ mang virus vào và phát tán làm người khác rất dễ nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Văn phòng cần mở cửa đón ánh nắng vào vì ánh nắng tiêu diệt rất nhiều loại virus, trong đó có virus cúm.
Bình luận (0)