xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cược mạng với tàu vi phạm

​Nhóm phóng viên

Không đăng kiểm phương tiện, không có bằng cấp chuyên môn lái tàu, bất chấp nguy hiểm chở quá tải... là những vi phạm phổ biến của hàng vạn phương tiện vận tải thủy ở miền Tây Nam Bộ, đe dọa mạng sống của hành khách hằng ngày

Việc tàu đánh cá “hóa kiếp” thành tàu chở đoàn khách 41 người tham gia lễ hội Nghi Ông ở cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) bị chìm vào sáng 6-4 khiến 3 người chết và mất tích đã gióng lên hồi chuông báo động tình trạng mất an toàn đường thủy ở khu vực ĐBSCL.

Không đăng kiểm, không bằng cấp

Theo ghi nhận của phóng viên, chợ nổi Cái Răng ở TP Cần Thơ mỗi ngày thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Để đến được với điểm du lịch lý tưởng này, hành khách thường tập trung tại khu vực Bến Ninh Kiều rồi xuống các tàu, ghe của các đơn vị kinh doanh du lịch hoặc của tư nhân.

Dù thời gian vừa qua ở ĐBSCL xảy ra nhiều vụ chìm tàu, ghe chở khách dẫn đến chết người nhưng hằng ngày, đội ngũ ghe, tàu chở khách du lịch từ Bến Ninh Kiều đi chợ nổi Cái Răng hoặc tham quan các khu vườn cây ăn trái ven sông vẫn không trang bị áo phao cho hành khách.

Tàu đánh cá chở đầy ắp người khi tham gia lễ hội Nghinh Ông ở Bạc Liêu nhưng không ai mặc áo phao Ảnh: Bích Như
Tàu đánh cá chở đầy ắp người khi tham gia lễ hội Nghinh Ông ở Bạc Liêu nhưng không ai mặc áo phao Ảnh: Bích Như

Tại tỉnh Bạc Liêu có hơn 16.000 phương tiện đường thủy nội địa nhưng có đến 7.700 phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm. Trong đó, chủ yếu là các phương tiện dưới 15 tấn, vỏ lãi composite có gắn động cơ công suất máy từ 5-15 mã lực và người sử dụng không có bằng cấp chuyên môn.

Cứ vào mùa lễ hội Nghinh Ông ở Bạc Liêu, rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân ở huyện Hòa Bình và Đông Hải chở đầy người thân hoặc hành khách để hòa cùng đoàn tàu của ban tổ chức đi rước Ông (cá voi) từ biển về đất liền. Mặc dù chở đầy ắp người nhưng hầu như không một ai trang bị áo phao. Trong không khí náo nhiệt đó, nhiều người đứng hò hét, nhún nhảy khiến thân tàu cứ chao qua đảo lại trông rất nguy hiểm. Mỗi khi gặp sóng to gió lớn, những chiếc tàu này có thể lật úp bất cứ lúc nào.

Còn ở Cà Mau, rất nhiều tàu cao tốc từ trung tâm TP Cà Mau đi các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Thới Bình… cũng thường không trang bị áo phao cho hành khách. “Mới hôm rồi, tôi xuống Ngọc Hiển đi đám tang người thân. Ngồi trên chiếc tàu cao tốc mà tôi cứ ngỡ như mình đang ngồi trên… võng. Tài công thì cho tàu chạy cứ như đùa giỡn với tử thần. Trên tàu không ai mặc áo phao. Khi tàu cập bến, tôi mới biết là mình còn sống” - chị Võ Thị Thu (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) nhớ lại.

Kiên quyết xử lý

Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang, du khách không được tự ý thuê những tàu không bảo đảm an toàn đi tham quan ở các đảo thuộc vùng biển tỉnh này, nhất là tại quần đảo mới phát triển về du lịch như Nam Du (huyện Kiên Hải) hay Bà Lụa (huyện Kiên Lương).

Riêng đối với người dân địa phương cũng không nên lén lút quá giang các phương tiện đánh cá hay các loại tàu hàng hải để vào đất liền vì có nhiều phương tiện không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, áo phao hay các trang thiết bị cần thiết trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Nếu gặp sự cố, hành khách rất khó giữ được tính mạng.

Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh Kiên Giang, trong quý I/2017, cơ quan này đã lập biên bản vi phạm gần 1.000 trường hợp chở quá tải. Trước đó, đoàn công tác liên ngành của tỉnh này đã có đợt tổng kiểm tra các điều kiện an toàn về kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy tại các bến thủy nội địa và việc trang bị các thiết bị an toàn kỹ thuật về cứu sinh, cứu đắm của các phương tiện vận chuyển hành khách các đảo thuộc quần đảo Bà Lụa. Qua kiểm tra, đa số các chủ bến bãi và chủ phương tiện vận chuyển hành khách đều có trang bị tương đối đầy đủ về an toàn kỹ thuật khi hoạt động trên biển.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều phương tiện chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn như áo phao cứu sinh, nhiều áo phao cũ, hư hỏng nên không bảo đảm an toàn. Ngay cả những chiếc bình chữa cháy cũng bị hư hỏng không sử dụng được.

“Đối với các phương tiện chưa bảo đảm an toàn kỹ thuật cũng như trang thiết bị thì ngoài việc kiểm tra, nhắc nhở thì đoàn kiểm tra lập biên bản đối với những trường hợp vi phạm và buộc các chủ phương tiện phải khắc phục trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, đối với những phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa có chứng chỉ chuyên môn cho thuyền trưởng, thuyền viên hay không bảo đảm đầy đủ các thiết bị an toàn thì đoàn kiểm tra sẽ đình chỉ hoạt động” - vị lãnh đạo này khẳng định.

Khởi tố vụ lật tàu ở Bạc Liêu

Ngày 8-4, đại tá Trần Hoàng Nhủ, Trưởng Công an huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, cho biết đã khởi tố vụ án, tạm giữ tài công Doãn Thanh Nam (35 tuổi; ngụ thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy”. Ông Nam là người lái chiếc tàu gặp nạn tại lễ hội Nghinh Ông ở Gành Hào hôm 6-4 làm 2 nữ sinh tử vong, một người mất tích, 14 người bị thương.

D.Nhân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo