Cứ tưởng cường hào ác bá ở nông thôn chỉ có vào những năm trước Đổi mới, nào ngờ vẫn tồn tại đến bây giờ. Chính một số lãnh đạo Đảng và nhà nước đương nhiệm cũng đã lên tiếng về việc này. Mới nhất, trong tham luận tại hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại” hôm 3-6, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nêu rõ: “Tham nhũng đang là quốc nạn thật sự, hủy hoại mọi sự tốt đẹp, kìm hãm phát triển, gây mất niềm tin và an ninh xã hội. Do đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của TP HCM là phải loại ra khỏi bộ máy những người tham nhũng, nhũng nhiễu dân, những cường hào mới”…
“Cường hào mới” là cán bộ tha hóa, biến chất, lợi dụng quyền lực của mình để trục lợi hoặc áp bức, bóc lột người dân - đối tượng mà cán bộ, đảng viên ấy phải có trách nhiệm phục vụ. Nạn “cường hào mới” nhức nhối hơn cả ở nông thôn, những nơi người dân thấp cổ bé họng vốn quen chịu đựng và trình độ hiểu biết có hạn nên dễ bị o ép; cán bộ ở cơ sở lại ít bị cấp trên “soi” và thiếu hẳn cơ chế giám sát nên họ thừa điều kiện hà hiếp người nghèo.
Trường hợp cán bộ xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình “xà xẻo” tiền đền bù trưng thu đất của dân (để mở khu công nghiệp) và vụ cán bộ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang ém tiền cứu trợ hộ nghèo là phần nối dài về nạn “cường hào mới” ở nông thôn Việt Nam. Trước đó, hàng loạt vụ bẩn thỉu như thế đã bị lật mặt: 22 quan xã ở Quảng Nam “ăn” của dân địa phương hơn 1.200 con gà; một ông bí thư huyện ủy ở Thanh Hóa “dắt nhầm” đàn dê 12 con cấp cho hộ nghèo vào nhà mình…
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã phê phán những dạng cán bộ, đảng viên kiểu ấy là “quan cách mạng”. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng từng có nhận xét để đời về tình trạng nói trên: “Người ta ăn của dân không từ một thứ gì…”. Nhức nhối như thế, gây bức xúc như thế nhưng dường như chưa có giải pháp hữu hiệu nào để bài trừ.
Ngược lại, “cường hào mới” ngày càng có thêm cơ hội để trỗi dậy khi quá dễ vinh thân phì gia từ con đường làm quan. Cơ quan chức năng từng nêu “điển hình” cách đây không lâu: xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa chỉ 9.500 dân nhưng có tới 500 cán bộ, tức là chưa tới 20 người dân phải nai lưng nuôi 1 quan xã. Có rất nhiều địa phương như thế và bên cạnh đó còn khá phổ biến tình trạng cả họ làm quan…
UBND xã là cấp hành chính gần dân nhất nhưng ở nhiều nơi hành xử với dân quá tệ bạc, ấy là bởi nhóm thiểu số “cường hào mới” này. Một mặt, cần tăng cường vai trò giám sát của HĐND cấp xã, phường; một mặt, phải thẳng thừng loại bỏ những thành phần xấu xa đó khỏi bộ máy cầm quyền bởi chính họ đã phản bội đồng chí, lý tưởng và tổ chức của mình, nói rõ hơn là phản bội nhân dân!
Bình luận (0)