Dù lũ đã đi qua nhưng câu chuyện cứu người trong lũ vẫn được nhiều người dân ở xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nhắc đến với lòng kính trọng sâu sắc. Cả người cứu và người được cứu đều cảm thấy hạnh phúc và hơn thế là bài học về tình người, tình làng nghĩa xóm.
Liều mình trong đêm
Giữa đêm 18-10, nước từ sông Ngàn Sâu tràn qua xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cuồn cuộn nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà. Ban Phòng chống lụt bão của xã Đức Lạng điện khẩn yêu cầu các gia đình ở vùng địa hình thấp, nằm dọc hạ lưu sông Ngàn Sâu phải khẩn cấp sơ tán.
Tiếp sau đó, hàng trăm cú điện thoại của người dân địa phương gọi về xã cầu cứu. Nước từ trên cao đổ xuống, nhanh chóng ngập đến tận nóc nhà người dân. Hàng chục người dân phải trổ nóc nhà với tay ra ngoài kêu cứu.
Lo ngại cho tính mạng người dân bị cuốn theo lũ dữ, anh Nguyễn Cảnh Quý và anh Phạm Đình Chung ở xóm Yên Thọ, xã Đức Lạng quyết định phóng xuồng vượt lũ cứu người. Biết được gia đình bà Trần Thị Diệu ở xóm Yên Thọ là một trong những hộ dân đang rơi vào tình trạng nguy kịch nhất, hai anh đã nhanh chóng tiếp cận.
Xuồng vừa mới rời khỏi bờ khoảng 10 m thì bị lũ cuốn chìm khiến hai anh suýt nữa cũng bị lũ cuốn trôi. Lần thứ hai rồi đến lần thứ ba... sau hơn 1 giờ quần nhau với nước lũ, các anh mới tiếp cận được nhà của bà Diệu, khi ấy nước đã cách nóc nhà 0,3 m. Từ trong nhà, tiếng con trai bà Diệu kêu cứu liên tục, còn bà Diệu và con gái thì hoảng sợ ú ớ không thành tiếng.
Sau khi đưa được ba mẹ con bà Diệu xuống thuyền thì một phần của ngôi nhà cũng bị lũ cuốn trôi. Đi được chừng 50 m, nước đã vào nửa xuồng, không còn cách nào khác anh Quý và anh Chung đành phải nhảy khỏi xuồng vừa bơi vừa dìu xuồng vào bờ.
Vào đến chân núi, cả năm người ôm nhau khóc vì biết mình vừa thoát khỏi cơn nguy kịch. Không biết nói gì hơn, bà Diệu chỉ lắp bắp: “Hai anh là ân nhân của mẹ con tôi, chết cũng không quên”.
Anh Phạm Đình Chung bên bà Phan Thị Thêm, người được anh cứu khỏi dòng nước lũ tối 18-10
Rồi các anh lại tiếp tục lao xuồng trong đêm, tiếp tục đi cứu người. Vừa đến phía thượng nguồn, hai anh thấy nhà bà Phan Thị Thêm, ngụ tại xóm Hà Cát, sắp bị lũ cuốn trôi nhưng không thấy ai kêu cứu.
Biết đây là một trường hợp đặc biệt nên các anh đã lập tức lao thuyền đến. Bà Thêm hiện không thể tự đi lại, mắt lại bị mù, bà có 7 người con thì lần lượt ra đi chỉ còn lại một cậu con trai và một cô con gái.
Đêm ấy, cả nhà đang ngủ thì lũ đổ về. Bà Thêm thò tay xuống thì thấy nước đã dâng lên sát mép giường. Bà gọi hai con dậy và bảo bơi ngay vào bờ nếu không nước lũ lên nhanh sẽ đi không kịp.
“Tôi biết mình sẽ bị lũ cuốn trôi nên khuyên hai con lên bờ” - bà Thêm nhớ lại. Do nước lũ đã lên quá cao, hai con của bà lao lên bờ tìm xuồng quay lại đón mẹ. Nhưng chưa tìm ra xuồng thì nước dâng gần hết nóc. May mà anh Quý và anh Chung có mặt kịp thời đưa bà ra khỏi căn nhà. Xuồng vừa đi được 15 m, bất ngờ từ phía sau, ngôi nhà đổ sập bị lũ cuốn phăng về phía hạ nguồn.
Bà Trần Thị Diệu đang diễn tả lại đoạn xuồng của anh Nguyễn Cảnh Quý vượt lũ đưa ba mẹ con bà vào chân núi
Tiếp sau đó, các anh lại đi đến hàng chục ngôi nhà khác, vượt lũ để cứu người. Trong đêm đó, có gần 100 người ở các xóm Hà Cát, Yên Thọ... được các anh và một số anh em khác cứu thoát khỏi dòng nước lũ.
Dù chết, không thể làm ngơ
Hành động đẹp của tình làng xóm
Ngay sau khi lũ đi qua, UBND xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ đã thưởng “nóng” cho các “hiệp sĩ” xả thân vượt lũ cứu đồng bào với số tiền 500.000 đồng/người. Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao hành động quả cảm của các anh đã không ngại hy sinh để cứu đồng bào. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là hành động cao đẹp của tình quê hương làng xóm với nhau”. |
“Biết rằng trong hoàn cảnh đó nếu cứu được người thì mình có thể sẽ phải chết nhưng tôi vẫn không thể làm ngơ” - anh Quý bộc bạch.
Trong đêm đó, xuồng của anh đã năm lần bị lũ nhấn chìm. Riêng anh đã ba lần bị lũ cuốn, một lần tưởng chừng đã chết vì bị nước nhận đuối người.
Cũng may, anh bám được ngọn tre nên thoát chết. Sau lũ, những người được họ cứu sống đều đã về nhà, dù mất trắng nhưng ai cũng thấy hạnh phúc.
Bà Phan Thị Thêm khóc trên vai anh Quý khi anh cùng chúng tôi tới thăm, bà bùi ngùi: “Nếu không có anh, chắc hôm đó tôi bị lũ cuốn trôi rồi. Ơn của anh tôi không thể nào quên”.
Bà Đậu Thị Duyên, một người thân được cứu sống, cũng tâm sự: Khi chúng tôi lên thì xuồng bị nước lũ nhấn gần chìm nếu anh Quý không dũng cảm nhảy xuống để đỡ thuyền, có lẽ mọi người đều chết cả. Anh ấy là một người nghĩa hiệp”.
Tôi biết mình trước sau gì cũng sẽ bị nước lũ cuốn trôi nên lấy dây thừng trói người vào cột nhà hy vọng sau này có thể tìm thấy xác. Không ngờ lúc đó anh Quý chèo xuồng tới và đưa tôi vào bờ, đúng là “mừng như chết đi sống lại”.
Đó là tâm sự của ông Nguyễn Xuân Anh, xóm Hà Cát, xã Đức Lạng. Đặc biệt có anh Lê Thanh Tùng dù không biết bơi nhưng trước tình thế ấy cũng đã chèo xuồng đi cứu hàng chục người thoát lũ.
Ngoài anh Nguyễn Cảnh Quý, đêm hôm đó còn nhiều người dân khác cũng đã chèo xuồng vượt lũ đi cứu bà con.
Anh Lê Văn Thanh, người trực tiếp chèo xuồng đi cứu người trong đêm 18-10, cũng đã nhiều lần thoát chết, anh nói: “Chúng tôi cứu người là vì không còn cách nào khác. Lẽ nào thấy người dân mình bị nước cuốn trôi mà đứng nhìn. Không chỉ tôi mà ai ở địa phương này cũng đều làm thế”.
Bình luận (0)