Ông Lê Huy Ngọ, nguyên bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nguyên trưởng Ban Phòng, chống lụt bão Trung ương, cho rằng bên cạnh yếu tố tự nhiên, lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua có phần “đóng góp” của con người.
Theo ông Ngọ, tác động của con người đối với môi trường miền Trung làm cho tình trạng ngập lụt thêm tồi tệ. Trong đó, việc phát triển thủy điện ồ ạt đã lấy đi quỹ rừng rất lớn và vô cùng quý giá đối với việc ngăn, chống lũ.
Chỉ lo phát điện
Ông Ngọ nêu ra con số 393 dự án thủy điện lớn nhỏ trải rộng 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và bức xúc: “Các nhà máy thủy điện luôn đặt mục tiêu số 1 là tích nước sản xuất điện, còn trách nhiệm chủ động xả nước trong hồ để chờ, đón và cắt lũ thì hầu hết đều lãng quên, nhất là thủy điện nhỏ và vừa”.
Ông Ngọ lo ngại “rốn lũ” miền Trung ngày càng khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu, nay lại cõng thêm nỗi lo từ các công trình thủy điện. Sự cố thủy điện Hố Hô - Quảng Bình vừa qua là bài học đáng nhớ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Diệu cũng cho rằng nhiều thủy điện trong trận lũ vừa qua đã bất lực trong điều tiết nước. Thậm chí, nhiều thủy điện còn đón nhận mức nước vượt xả tràn dẫn tới có nguy cơ đe dọa hạ lưu nếu sự cố xảy ra.
Theo ông Diệu, việc xây dựng các hồ chứa nước đã gây ngập hàng chục ngàn hecta diện tích rừng do lòng hồ chiếm chỗ, cùng với việc rừng bị chặt phá để xây dựng hành lang lưới điện và hàng chục ngàn hecta rừng thung lũng đã làm mất tác dụng điều tiết chậm lũ trên sông chính, tăng nhanh quá trình tập trung nước và tốc độ chảy truyền trên lưu vực, gây cường suất lũ lên lớn và đỉnh lũ cao.
Mưa lũ lịch sử ở Hà Tĩnh khiến nhà cửa chìm trong biển nước. Ảnh: QUANG NHẬT
Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão, khẳng định khả năng điều tiết lũ ở những hồ thủy điện nhỏ gần như không có.
Sự cố hồ Hố Hô cho thấy khâu quản lý thủy điện này bị buông lỏng vì thiếu nhân lực trực; trình độ quản lý về thủy lợi còn hạn chế... “Không thể xem nhẹ việc quản lý hồ thủy điện. Đây là bài học cảnh tỉnh các cơ quan chức năng. Phát triển thủy điện hiện nay chưa đi đôi với công tác quản lý” – ông Niên nhận xét.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đề nghị làm lại quy hoạch, quy trình quản lý hồ đập ở miền Trung vì quy trình, quy định hiện nay không còn phù hợp với số thủy điện nở rộ.
Rà soát để “phẫu thuật”
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, qua sự cố thủy điện Hố Hô, cần cập nhật lại thủy văn khu vực miền Trung để xác định hồ thủy điện, thủy lợi nào đáp ứng được thực tế, cái nào cần gia cố, nâng cấp mở tràn.
Ông Diệu cho biết Chính phủ đã có chủ trương rà soát lại toàn hộ hệ thống hồ chứa, trong đó có hồ thủy điện, lập quy trình vận hành hồ, liên hồ cho phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay và tương lai.
Về giải pháp mạnh tay “xóa” vài thủy điện không có khả năng điều tiết lũ, thậm chí còn làm trầm trọng thêm, ông Diệu cho rằng trước mắt cần có kết quả tổng rà soát sớm để có quyết định cuối cùng vì việc “hy sinh” thủy điện để giữ môi trường là chuyện từng xảy ra ở nhiều nước. Theo ông Niên, việc “giải phẫu” các thủy điện làm trầm trọng thêm lũ là khó nhưng buộc phải có giải pháp công trình.
Ông Diệu cho biết Bộ NN-PTNT đã xây dựng chương trình an toàn hồ chứa và Chính phủ cũng đang từng bước đầu tư, chỗ nào hồ yếu làm trước, hồ chắn chắn làm sau.
Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện có 79 hồ chứa nước thủy lợi, với tổng dung tích trữ gần 2,4 tỉ m3; 27 hồ chứa thủy điện do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) quản lý với tổng dung tích 6,426 tỉ m3 cùng nhiều hồ chứa nước vừa và nhỏ khác do các công ty ngoài EVN quản lý.
“Đối với các hồ lớn, sau khi rà soát, nếu không bảo đảm, chúng tôi sẽ kiến nghị bổ sung thêm đập tràn sự cố. Vấn đề hiện nay là cần có đủ kinh phí để làm từng bước. Để đi vào từng trường hợp cụ thể thì cần có thời gian” - ông Diệu cho biết.
Bình luận (0)