xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cứu sao nổi ngành ô tô Việt!

DƯƠNG QUANG

Tiếp tục sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam hay ngưng hẳn và nhập ô tô nguyên chiếc về bán - tiết lộ của Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) Yoshihisa Maruta tuần qua là cảnh báo nhãn tiền đối với các nhà làm chính sách nước ta.

TMV không giấu giếm tham vọng tối ưu hóa lợi nhuận khi chỉ còn gần 3 năm nữa (2018), thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm còn 0%. Khi đó, giá xe nguyên chiếc nhập từ Thái Lan hay Indonesia (2 quốc gia trong ASEAN mà nhiều thương hiệu ô tô lớn đang đặt nhà máy sản xuất) về Việt Nam còn rẻ hơn cả xe lắp ráp tại Việt Nam. Đối với các nhà kinh doanh, giải pháp nào đem lại lợi lớn thì họ sẽ chọn.

Tiếp tục sản xuất, lắp ráp hay dừng hẳn đang là bài toán khó tìm lời giải cho ngành ô tô Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH
Tiếp tục sản xuất, lắp ráp hay dừng hẳn đang là bài toán khó tìm lời giải cho ngành ô tô Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH

Lộ trình thuế quan trong ASEAN đã công khai, minh bạch từ lâu, ai cũng biết nhưng nắm bắt cơ hội và đối phó với thách thức từ đó như thế nào thì phụ thuộc vào tầm nhìn, động lực và trách nhiệm của từng bên. Nếu như chuyện bỏ sản xuất chuyển sang nhập khẩu xảy ra thì cũng không thể trách các hãng ô tô mà Việt Nam phải tự trách mình. Chiến lược công nghiệp ô tô từng được đề ra hơn chục năm nay nhưng cơ bản đã thất bại khi sản xuất ô tô trong nước chẳng ngoi lên nổi, tỉ lệ nội địa hóa không đạt như kỳ vọng và người Việt phải mua xe với giá đắt hàng đầu thế giới.

Vào tháng 7-2014, Chính phủ thông qua Chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Một trong những mục tiêu của chiến lược là “giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng 30%-40% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng của sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, chế tạo được một số chi tiết quan trọng...”. Thực ra, mục tiêu này không mới, chiến lược phát triển ô tô giai đoạn 2004-2010 và tầm nhìn đến năm 2020 cũng từng đặt ra mục tiêu “đến năm 2010, tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm ô tô trong nước sẽ đạt 50%” nhưng rồi bao nhiêu “chiến lược” lẫn “tầm nhìn” đều thất bại toàn diện!

Tại cuộc họp báo hôm 2-4, ông Yoshihisa Maruta nói rằng: “Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô không đưa ra kế hoạch cụ thể là sẽ làm gì nên chúng tôi không hiểu cần phải làm gì… Chúng tôi đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể đó”. “Chính sách cụ thể” đến nay vẫn chưa có trong khi lộ trình giảm thuế về 0% trong ASEAN đang chạy nước rút, vậy là ngay từ bây giờ cũng đã có thể thấy tương lai ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mờ mịt thế nào!

Công nghiệp phụ trợ vẫn tiếp tục èo uột, ngành ô tô nuôi hoài không lớn và Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ béo bở cho các hãng ô tô toàn cầu, đó là những nguy cơ khó tránh. Về phía người tiêu dùng Việt Nam, sau nhiều năm giận dữ bởi giá xe đắt hết sức phi lý song vẫn cố trông chờ vào sự lớn mạnh của ngành ô tô trong nước để rồi thất vọng nối tiếp thất vọng, nay họ có xu hướng ủng hộ các hãng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về bán vì kỳ vọng giá sẽ rẻ hơn, chất lượng lại tốt hơn.

Tất nhiên, nhà nước sẽ có cách điều tiết nhưng để xảy ra cớ sự như thế thì rõ ràng “nước xa không thể cứu lửa gần”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo