Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận thuộc tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, Lâm Đồng được thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” tại Đà Lạt theo đồ án quy hoạch chung TP này và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Vậy nhưng, giờ nhìn lại, Đà Lạt thật nhạt nhòa…
5 năm, mất 90.000 ha rừng
Nhà nghiên cứu Đà Lạt Nguyễn Hữu Tranh đã dành nhiều tâm huyết cho xứ sở ngàn hoa này. 40 năm rồi, ông vẫn nhớ như in vẻ hoang sơ của núi rừng cao nguyên.
Ngày ấy, thông mọc khắp lối, Đà Lạt đâu đâu cũng thấy thông. Thông trên núi, thông trong rừng, thông len lỏi trong phố thị... Nhưng nay, rừng Lâm Đồng trông như một tấm da beo loang lổ. Càng đi vào sâu càng thấy rừng bị xâm hại không thương tiếc.
TP Đà Lạt nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so mực nước biển nhưng nay thường xuyên bị ngập úng
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, chỉ trong 6 tháng năm 2015 đã ghi nhận hơn 500 vụ phá rừng, chủ yếu phá rừng để lấy đất làm rẫy. Từ tháng 6-2014 đến nay, hơn 160 ha rừng đã bị mất, phần lớn là rừng thông. Đáng báo động là hình thức “ken cây” - tiêm thuốc độc vào thân cây để “giết” thông.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh hiện chỉ ở mức 52,5%, riêng TP Đà Lạt có tỉ lệ thấp nhất. Dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016 công bố con số khiến chúng ta giật mình: Chưa đầy 5 năm, Lâm Đồng mất khoảng 90.000 ha rừng. Riêng TP Đà Lạt, tỉ lệ độ che phủ rừng chỉ còn 47%, giảm gần 10% so với năm 2010.
Thời tiết bất thường
“Lạnh nhưng phải ôn hòa mới chính là Đà Lạt. Đà Lạt bây giờ vẫn còn chút lạnh vào đêm và buổi sáng nhưng cái ôn hòa thì đã mất hẳn” - ông Tranh nhận định.
Những người cả đời gắn bó với mảnh đất này kể rằng ngày xưa, Đà Lạt sương giăng mờ ảo quanh năm. Bây giờ, sương đã trở thành “hàng hiếm”. Những ai muốn chụp ảnh sương phố núi phải canh thời tiết, thức dậy thật sớm và đi rất xa thành phố mới “săn” được.
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp, người dành trọn cuộc đời chỉ để vẽ về Đà Lạt, nhớ lại: “Chỉ cách đây hơn 15 năm, khách đến Đà Lạt dễ dàng chiêm ngưỡng sương mù giăng mắc trên những triền thông, phủ kín đường phố, người đi đối diện không nhìn thấy mặt nhau. Giờ đây, sương ngày càng ít, khó tìm, chỉ còn thấy nhà cửa chen chúc”.
Kéo theo đó, Đà Lạt đang nóng lên, ngập úng triền miên, thời tiết thay đổi bất thường. Theo nghiên cứu của TS Phạm Đức Thi và kỹ sư Nguyễn Thu Bình thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhiệt độ ở Đà Lạt đang nóng dần lên, sự khắc nghiệt gia tăng với biên độ nhiệt giãn cách đột biến chưa từng thấy. Nếu như trước đây, thời điểm nhiệt độ cao nhất và thấp nhất chênh nhau 8-10 độ C thì nay đã tăng lên 12-15 độ C. Chính điều này khiến những chiếc áo ấm vốn trở thành hình ảnh quen thuộc của phố núi mộng mơ dần biến mất, thay vào đó là áo ba lỗ, quần soóc. Ngay cả loài hoa mai, anh đào - vốn là biểu trưng của Đà Lạt mỗi độ xuân về - giờ mỗi năm trổ mỗi khác, không theo chu kỳ nào. Trước đây, người Đà Lạt mua quạt, máy lạnh sẽ bị bảo “hâm” thì nay, chúng đã xuất hiện ở hầu hết các gia đình, nhà hàng, khách sạn.
Thắng cảnh đìu hiu
Đề án quy hoạch TP Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng thông qua. Theo đó, Đà Lạt sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản của khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành quốc gia. Tuy nhiên, thành phố này đang gặp không ít khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn, khôi phục, hoàn thiện không gian đô thị lịch sử, các danh thắng và khu di tích.
Đà Lạt đang thiếu các chiến lược và chính sách kiểm soát dân số, quản lý đô thị một cách chặt chẽ để hạn chế và ngăn chặn tình trạng lãng phí tài nguyên đất, nguồn lực đầu tư và tình trạng xuống cấp, hủy hoại theo thời gian của di sản đô thị vô giá của thành phố.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình đô thị hóa tự phát, không ít danh thắng và di tích nổi tiếng bị xuống cấp và ô nhiễm như: thác Cam Ly, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Prenn, thác Voi, thác Liên Khương... Một số công trình kiến trúc cổ giá trị đã bị lãng quên hoặc bị xâm hại như: nhà ga Đà Lạt, quần thể di tích kiến trúc Trường CĐ Sư phạm, khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào... Nhiều ngôi biệt thự cổ bỏ hoang hoặc biến thành nhà trọ.
Thắng cảnh bị xâm hại không những làm mất đi vẻ đẹp vốn có của Đà Lạt mà còn khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng. Riêng thác Cam Ly, hiện nay không thể cứu chữa do bị ô nhiễm trầm trọng. Khách du lịch đến Đà Lạt không khỏi tiếc nuối cho các công trình, danh thắng xứ mộng mơ đang bị giết chết từng ngày.
Kỳ tới: Để mãi là “người con gái trong sương”
Mất dần khách quốc tế
Thống kê mới nhất do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng công bố cho thấy lượng khách quốc tế đến Đà Lạt trong 9 tháng năm 2015 chỉ đạt 127.180 lượt (giảm 5,7% so cùng kỳ năm 2014). Theo bà Ngọc, một trong những nguyên nhân chính là do sự xuống cấp của các khu, điểm du lịch, trong đó có các danh thắng. Đồng thời, sản phẩm du lịch của Đà Lạt đang kém hấp dẫn du khách quốc tế bởi sự trùng lặp, đơn điệu, mạnh ai nấy làm và không được quy hoạch, đầu tư đúng mức.
Bình luận (0)