Ngày 24-4, trả lời câu hỏi của báo chí về việc thu hồi hàng ngàn tỉ đồng sai phạm khi bán đất công ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ Giám sát, theo dõi và xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ - TTCP), cho biết cơ quan này đang theo dõi sát sao vụ việc.
Dễ dàng kiếm trăm tỉ đồng từ đất công
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, vào năm 2013, TTCP đã công khai Kết luận thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và một số dự án đầu tư liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, việc thực hiện sau thanh tra đã bị Đà Nẵng “chây ì” nhiều năm qua.
Kết luận thanh tra cho thấy việc giao đất của UBND TP Đà Nẵng chủ yếu không thông qua đấu giá và có nhiều sai phạm trong việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã bán lại cho người khác thu chênh lệch với số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Điển hình như khu đất giao cho Công ty TNHH Phúc Thiên Long xây dựng khu dịch vụ thương mại du lịch được định giá từ năm 2007. Qua 4 lần gia hạn, đến tháng 9-2009, công ty mới nộp tiền nhưng UBND TP Đà Nẵng không định giá lại, gây thất thu ngân sách hơn 120 tỉ đồng. Khu đất này ngay sau đó được Công ty TNHH Phúc Thiên Long chuyển nhượng cho đối tác khác, thu lợi gần 500 tỉ đồng.
Tương tự, hai lô đất có tổng diện tích hơn 3,4 ha được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt giá khởi điểm là 88 tỉ đồng và chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Đông vào tháng 1-2008. Chỉ 32 ngày sau, bà Đông sang tên một lô cho người khác, thu chênh lệch 107 tỉ đồng. Lô còn lại, đến tháng 8-2008, bà Đông tiếp tục sang nhượng kiếm lời 155 tỉ đồng. Cũng miếng đất thứ hai ấy, 2 tháng sau, chủ thứ cấp sang nhượng tiếp, hưởng chênh lệch 256 tỉ đồng. Tổng số tiền chênh lệch sau các lần chuyển nhượng so với giá TP Đà Nẵng giao lên tới 520 tỉ đồng.
TTCP cũng xác minh 22 dự án khác, kết luận số tiền vi phạm lên tới 2.120 tỉ đồng, trong đó có những vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái về Luật Đất đai và đầu tư xây dựng. Ngoài ra, một số vi phạm khác cũng được chỉ ra như giảm giá tiền sử dụng đất phải nộp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gia hạn nộp tiền sử dụng đất sai quy định... Tổng cộng những sai phạm ở TP Đà Nẵng được TTCP xác định lên tới 3.434 tỉ đồng.
Phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng
Theo TTCP, dù kết luận này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng thực hiện theo kiến nghị của TTCP từ năm 2013 song mọi việc vẫn không được thực hiện. Đến năm 2015, Tổng TTCP tiếp tục có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm tra sau thanh tra. Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu UBND TP Đà Nẵng và Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đúng theo kiến nghị của TTCP và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 5-2016.
Dù vậy, đến tháng 3-2017, UBND TP Đà Nẵng mới có báo cáo về vấn đề trên nhưng có nhiều kiến nghị của TTCP đã không được thực hiện dứt điểm. Trong đó, UBND TP Đà Nẵng chưa điều chỉnh về thời hạn sử dụng đất đối với 627 trường hợp là cá nhân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Đà Nẵng chưa thu hồi về ngân sách nhà nước khoản tiền 1.486 tỉ đồng từ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư do tính thiếu diện tích thu tiền sử dụng đất; không tính đủ tiền chuyển mục đích sử dụng đất; kéo dài thời gian cho thuê đất từ 50 lên 70 năm; xác định giá thu tiền sử dụng đất khi giao đất thấp hơn bảng giá do TP ban hành và khoản tiền 867 tỉ đồng “ưu đãi” cho các nhà đầu tư. Tổng 2 khoản chưa thu hồi được là hơn 2.340 tỉ đồng.
Theo văn bản mới nhất gửi TTCP, UBND TP Đà Nẵng cho biết việc thu hồi tiền gặp rất nhiều khó khăn. Đã Nẵng đã họp với các chủ đầu tư, doanh nghiệp song họ đều đề xuất không nộp thêm tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, ông Đặng Khánh Toàn khẳng định trong buổi họp báo: “Quan điểm của TTCP đã rất rõ ràng, UBND TP Đà Nẵng phải tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc kiến nghị của TTCP đã được Thủ tướng đồng ý”.
Rút ra bài học từ vụ Đồng Tâm
Nói về vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức,TP Hà Nội, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP, cho rằng: “Cả hai phía người dân cũng như cơ quan nhà nước đều rút ra nhiều bài học. Không chỉ việc tiếp công dân mà các việc khác, các cơ quan nhà nước sẽ tổng kết, nghiên cứu bổ sung vào công tác quản lý của mình”.
Đối với việc thanh tra toàn diện đất đai ở xã Đồng Tâm mà UBND TP Hà Nội đã công bố, ông Ngô Văn Khánh cho hay việc thanh tra đang thuộc thẩm quyền của TP Hà Nội, TTCP không tham gia trực tiếp nhưng thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin và cùng với lãnh đạo TP Hà Nội bảo đảm cuộc thanh tra đúng quy định pháp luật, khách quan, chính xác.
Theo kế hoạch trong quý II/2017, TTCP sẽ thanh tra việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác tại các địa phương: Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Khánh Hòa.
Chưa thể ban hành kết luận thanh tra TKV
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động vì sao quá trình thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) kết thúc đã lâu nhưng chưa ban hành được kết luận thanh tra, ông Ngô Văn Khánh thừa nhận đã quá hạn và giải thích trong quá trình thanh tra còn nhiều ý kiến khác nhau từ TKV và các bộ liên quan. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là cách tính khối lượng bóc đất đá khi khai thác (giá trị lên đến mấy ngàn tỉ đồng) và thuế tài nguyên. TTCP đã thành lập bộ phận thẩm định riêng về những vấn đề trên.
Bình luận (0)