xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đà Nẵng xóa sổ tàu cá gần bờ

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

TP Đà Nẵng đang chủ trương giảm số lượng tàu đánh cá công suất dưới 20CV nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, hạn chế xâm hại môi trường biển

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20CV. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ xóa sổ thuyền thúng gắn máy, ổn định số lượng khoảng 150 tàu cá vỏ gỗ có công suất dưới 20CV. Kinh phí dự kiến thực hiện đề án khoảng hơn 23 tỉ đồng đã được giao cho các địa phương.

Ngư dân lo thất nghiệp

Theo UBND TP Đà Nẵng, đề án này có ý nghĩa quan trọng đối với mô hình khai thác hải sản theo hướng bền vững cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa khai thác hải sản ven bờ và các hoạt động kinh tế khác tại khu vực ven biển. Đề án cũng nhằm giảm tác động tiêu cực của nhóm tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, vươn khơi khai thác, góp phần cùng cơ quan chấp pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia.


Từ nay đến năm 2020, TP Đà Nẵng sẽ giảm tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ nhằm bảo vệ môi trường, phát triển nghề cá hiệu quả

Từ nay đến năm 2020, TP Đà Nẵng sẽ giảm tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ nhằm bảo vệ môi trường, phát triển nghề cá hiệu quả

Quận Sơn Trà là địa phương có nhiều tàu cá công suất nhỏ nhất TP Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Mai, ngư dân ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), cho biết gia đình ông đã trải qua nhiều đời sinh sống bằng nghề đánh bắt ven bờ. Dù không nhiều lợi nhuận như các tàu cá xa bờ nhưng ngư dân có thể tự do hơn về thời gian đánh bắt. “Mỗi chuyến ra khơi chỉ tầm 2-3 ngày, có khi chỉ 1 đêm, không phải thuê thêm người mà chủ yếu là người trong nhà. Mỗi chuyến đi lãi khoảng vài trăm ngàn đồng, tùy mùa” - ông Mai nói.

Theo ông Mai, phường Thọ Quang có hàng trăm ngư dân đánh bắt gần bờ, từ khai thác ruốc, tôm đến các loại cá cơm, cá nục, mực... Biết chủ trương của TP sẽ xóa sổ tàu công suất nhỏ, nhiều ngư dân không khỏi lo âu. “Cả gia đình tôi sống nhờ tàu cá nhỏ này. Tôi với con trai thì đi đánh bắt, vợ mang hải sản bán ở các chợ. Hải sản chúng tôi đánh bắt được trong thời gian ngắn nên rất tươi, có khi mang đến bờ vẫn còn sống nên được người mua ưa chuộng, giá cao hơn. Giờ TP định xóa sổ tàu nhỏ thì gia đình tôi sống sao?” - ông Mai lo lắng.

Cùng tâm trạng với ông Mai, hàng chục ngư dân sống ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cũng bất an. Ông Lê Văn Tiến (SN 1956, ngư dân phường Xuân Hà) cho biết tuổi đã cao, không thể đi tàu lớn, dài ngày trên biển được mà chỉ có thể đi thuyền thúng. “Không cho đánh bắt thì nhiều người sẽ thất nghiệp bởi học nghề gì cũng khó, lâu nay chỉ quen đi biển” - ông băn khoăn.

Không để ngư dân chới với

TP Đà Nẵng hiện có trên 700 phương tiện nghề cá có công suất nhỏ hơn 20CV cùng hơn 1.000 lao động. Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, sở đang lấy ý kiến của ngư dân từ các quận, huyện để từng bước thực hiện đề án. Ông cho rằng các phương tiện nghề cá công suất nhỏ hiệu quả thấp, hủy hoại nguồn hải sản gần bờ. Định hướng của Chính phủ là đến năm 2020 giảm tàu cá công suất nhỏ, phát triển nghề cá theo quy mô lớn.

Ông Tám cho biết khi thực hiện đề án này sẽ bảo đảm quyền lợi của ngư dân. Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ mua lại tàu cá với giá 10-30 triệu đồng. Mỗi ngư dân tham gia đánh bắt trên các tàu này cũng được hỗ trợ 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho ngư dân.

“Để ngư dân bỏ tàu nhỏ cũng là việc rất khó vì chạm đến tập quán làm ăn, sinh sống của bà con. Tuy nhiên, định hướng phát triển nghề cá bền vững là phải như thế nên Đà Nẵng quyết tâm thực hiện. Làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó, tránh làm ồ ạt sẽ không hiệu quả” - ông Tám nhìn nhận.

Ông Đặng Công Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng, cho rằng đề án của TP rất đúng đắn cho định hướng lâu dài để phát triển nghề cá. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình để ngư dân chuyển đổi ngành nghề.

Trong khi đó, ông Trần Văn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân quận Sơn Trà, cho biết quận này đã thực hiện chủ trương giảm tàu cá công suất nhỏ trước khi TP ban hành đề án. Một số ngư dân đã ủng hộ chủ trương trên và hợp tác chuyển đổi ngành nghề nhưng vẫn còn nhiều người chưa đồng ý. Việc thuyết phục ngư dân bỏ thuyền thúng, tàu vỏ gỗ công suất nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn. Ngư dân đã gắn bó với mô hình đánh bắt này lâu dài, dù lợi nhuận không cao nhưng vẫn bảo đảm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Ngư dân tham gia làm du lịch

Ông Trần Văn Lực cho biết khoảng 5-7 chủ tàu công suất nhỏ của quận Sơn Trà đã đồng ý thực hiện đề án và bàn giao lại tàu cho TP để chuyển đổi nghề nghiệp. UBND quận cũng chủ trương chuyển đổi ngành nghề hợp lý cho ngư dân, trong đó có việc đưa họ tham gia các hoạt động du lịch. Một số ngư dân quận Sơn Trà đã chuyển sang hành nghề chuyên chở du khách lặn ngắm san hô, phục vụ các tour tham quan trên biển…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo