Ngày 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến dự án Luật Đấu giá tài sản.
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong dự luật nên quy định một chương về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó quy định đầy đủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu nhằm bảo đảm tính minh bạch. Song cũng có ý kiến giao Chính phủ quy định về đấu giá nợ xấu vì cho rằng việc quy định cụ thể ngay trong luật là không phù hợp, không bảo đảm sự linh hoạt.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết nhằm tạo điều kiện cho việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sử dụng tiền có nguồn gốc ngân sách được quy định mang tính nguyên tắc tại một số điều, khoản trong luật và giao Chính phủ hướng dẫn trình tự, thủ tục đấu giá đối với loại tài sản này.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định này. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: “Quy định vào luật là chưa ổn. Làm sao có đặc ân giao cho doanh nghiệp mới thành lập (VAMC - PV), chưa đánh giá hiệu quả thế nào mà thực ra nợ xấu còn “treo”. Nên nghiên cứu ở tầm luật thì mọi tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng chứ không có đặc ân cho một doanh nghiệp, một công ty hưởng quyền đấu giá tài sản”.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến bày tỏ lo lắng quy định cho phép VAMC được tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản vì tài sản nhà nước nhưng lại cho công ty này lựa chọn là không ổn. “Nếu giao Chính phủ hướng dẫn về trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua cũng không yên tâm, quy định ngay trong luật cũng chưa yên tâm. VAMC là mô hình mới, kể cả trên thế giới, hiệu quả cũng chưa được đánh giá, tổng kết” - ông Chiến quan ngại.
Tán đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga góp ý cần cân nhắc việc luật hóa mô hình VAMC. Giải trình thêm, đại diện cơ quan soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - cho biết vừa qua nợ xấu nổi lên như tình trạng tức thời của nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ có ban hành nghị định về tổ chức thành lập VAMC, Bộ Tư pháp có thông tư hướng dẫn về bán đấu giá tài sản và VAMC được trao một số đặc thù. Nếu quy định đầy đủ việc bán đấu giá nợ xấu vào luật thì khá khó về mặt kỹ thuật. Vì vậy, sau khi bàn với Ủy ban Kinh tế thì có điều khoản về VAMC. Cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến và sẽ nghiên cứu.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho biết một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản nhà nước, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt đánh giá thực tiễn cho thấy tiêu cực, kẽ hở trong đấu thầu, đấu giá là vấn đề nhức nhối, cần quy định chặt chẽ trong luật để ngăn chặn.
Phê bình Bộ Tư pháp vì vắng họp
Sáng cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến dự án Luật Quản lý ngoại thương. Trước khi vào phần thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển thẳng thắn phê bình lãnh đạo Bộ Tư pháp vì vắng mặt không rõ lý do tại phiên họp này dù đã được mời. Theo ông Hiển, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong việc thẩm định các dự án luật quan trọng mà UBTVQH đang xem xét, thảo luận. Vì thế, đề nghị tổ thư ký gọi điện thoại nhắc nhở lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Trước đó, tại phiên họp thứ 2 của UBTVQH (tháng 8), Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng phê bình bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì vắng họp.
Bình luận (0)