Theo kế hoạch tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký ban hành, bắt đầu từ tháng 9 đến hết năm 2016, từ 19 giờ ngày thứ sáu đến 24 giờ ngày chủ nhật hằng tuần, TP Hà Nội sẽ tổ chức không gian đi bộ tại khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận.
Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật
Theo kế hoạch này, không gian đi bộ bao gồm các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng); Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường phía hồ Gươm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay); Lò Sũ, Hàng Dầu (đoạn từ ngã tư Lò Sũ - Hàng Dầu đến Đinh Tiên Hoàng); khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ); Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ); Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ); Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Tràng Tiền).
Không gian tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể thao sẽ diễn ra tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ; biểu diễn nghệ thuật truyền thống (ca trù, hát chèo...), nhạc cụ dân tộc và hòa nhạc, triển lãm tranh tại khu vực nhà Bát Giác, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu; biểu diễn nghệ thuật ánh sáng tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; tổ chức chỉnh trang, sắp xếp các sạp hàng, quầy sách của các hộ kinh doanh sách tại khu vực phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ...
UBND TP Hà Nội cho biết kinh phí thực hiện sẽ lấy từ ngân sách TP và nguồn tài trợ, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
Tổ chức không gian hợp lý
Về mặt đô thị, các kiến trúc sư đều cho rằng việc lựa chọn hồ Gươm để hình thành không gian đi bộ là hợp lý bởi đây là vùng lõi của thủ đô, ẩn chứa nhiều giá trị về văn hóa, tinh thần. Đồng thời, đây cũng là khu vực thu hút khách du lịch cũng như người dân qua lại nhiều nhất. Song cũng có ý kiến lưu ý TP cần chú tâm đến việc bố trí, sắp xếp không gian đi bộ, phân luồng, tuyến giao thông hợp lý để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của vùng đệm và vùng phụ cận.
Về vấn đề này, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết việc lên kế hoạch phân luồng đã được các bộ phận hoàn thành đúng kế hoạch, giao thông vòng 1 hồ Gươm và các vùng phụ cận sẽ được bảo đảm thông suốt. Cùng với đó, sở cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng trang bị đầy đủ hệ thống biển báo di động để thông báo địa điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô phục vụ các tuyến phố đi bộ. Đặc biệt, sẽ có bảng niêm yết phí giữ xe đúng quy định.
“Giá giữ xe đạp điện, xe máy điện là 2.000 đồng/lượt vào ban ngày, 3.000 đồng/lượt ban đêm; xe máy 3.000 đồng/lượt ban ngày, 5.000 đồng/lượt ban đêm; ô tô dưới 9 chỗ 30.000 đồng/lượt, trên 10 chỗ là 40.000 đồng/lượt (mỗi lượt 120 phút). Tại các điểm trông giữ xe đều công khai số điện thoại của Thanh tra Giao thông và Công an TP Hà Nội để người dân phản ánh nếu xảy ra tình trạng thu phí chặt chém” - đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin.
78 điểm giữ xe
Sở GTVT cho biết theo kế hoạch, bố trí tổng số 78 điểm đỗ để trông giữ ô tô, xe đạp, xe máy với diện tích 17.380 m2, sức chứa đủ cho 87 xe du lịch, xe chở khách, 607 ô tô con, 2.751 xe đạp và xe máy. Sở cũng sẽ điều chỉnh hoạt động của 7 tuyến xe buýt trong 3 ngày cuối tuần phục vụ cho phố đi bộ. Cụ thể, di chuyển điểm đầu - cuối của 2 tuyến buýt số 09 và 14 đang đỗ tại điểm đầu - cuối bờ hồ Gươm về bãi trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ trên đường Trần Quang Khải; điều chỉnh lộ trình 5 tuyến buýt để không đi qua các tuyến phố đi bộ, dừng/đón trả khách tại các điểm dừng nằm tiếp giáp các tuyến phố đi bộ…
Bình luận (0)