Ảnh: TẤN THẠNH
Cần đại biểu có hành động
Nói về lời hứa của đại biểu, cử tri Lưu Nghiêm Tố Liên (quận 3) băn khoăn có phải HĐND không có sự đồng cảm và chia sẻ trước những khó khăn của người dân? Bà dẫn chứng 10 năm nay, những hộ dân bị thu hồi đất để mở rộng đường Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan vẫn chưa được bố trí tái định cư.
“Cử tri đã kiến nghị việc này nhiều lần với đại biểu HĐND TP nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Phải chăng, lời hứa bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho dân, các đại biểu đã quên? Chúng tôi rất mong các đại biểu đã hứa thì phải làm”- bà Liên bức xúc.
Cũng với mong muốn đại biểu HĐND thực hiện lời hứa của mình, cử tri Vương Liêm (quận 1) đề nghị mỗi năm, đại biểu phải báo cáo kết quả thực hiện chương trình hành động trước cử tri. Nếu đại biểu thực hiện tốt chương trình hành động của mình, có nghĩa họ đã thực hiện lời hứa với dân. Cử tri Nguyễn Vĩnh Xuyên (quận 5) gửi gắm các đại biểu hãy làm tấm gương sáng cho cử tri, hãy là người nói ít nhất nhưng lại làm nhiều nhất.
Trước những mong muốn và nguyện vọng của cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, đề nghị sắp tới, tất cả đại biểu phải rà soát lại chương trình hành động của mình, vấn đề gì đã làm được, vấn đề gì chưa làm được và tìm giải pháp để thực hiện chương trình hành động đó. “Hành động không chỉ là nhiệm vụ của mỗi đại biểu mà còn tạo niềm tin, giữ lời hứa đối với cử tri” - bà Tâm khẳng định.
Dân không ham cảm ơn
Ngoài mong muốn đại biểu giữ lời hứa với dân, nhiều cử tri cũng đề nghị HĐND nên thay đổi cách thức hoạt động. Tham dự nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP, ông Trần Thanh Đạm (cử tri quận Phú Nhuận) cho rằng sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri trước mỗi kỳ họp HĐND, kỳ họp Quốc hội, đại diện tổ đại biểu thường lên chốt lại một câu: “Chúng tôi xin cảm ơn và ghi nhận ý kiến của các vị cử tri. Chúng tôi hứa sẽ chuyển những kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền”. Theo cử tri Đạm, câu nói này vừa chung chung vừa không hiệu quả. Vậy mà, nhiều đại biểu đã “kiên trì” nhiều năm vẫn nói câu ấy.
“Dân không ham cảm ơn mà cũng không cần đại biểu cảm ơn. Cái chúng tôi cần là các kiến nghị chính đáng của cử tri có được các vị giải quyết đến nơi đến chốn hay không” - cử tri Đạm bày tỏ. Ông cũng đề nghị HĐND nên thay đổi cách tiếp xúc cử tri. Thay vì cảm ơn và ghi nhận, đại diện tổ đại biểu nên cho cử tri biết những ý kiến phù hợp sẽ được giải quyết như thế nào, cơ quan nào và bao giờ giải quyết.
Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, kiến nghị để giữ mối liên hệ ngày càng gần hơn với cử tri, ngoài tại trụ sở, đại biểu HĐND cần xuống cơ sở để lắng nghe ý kiến của họ. Khi chứng kiến những khó khăn, vướng mắc của người dân, đại biểu mới có thể chất vấn có hiệu quả đối với các sở - ngành, tránh để kiến nghị của bà con bị kéo dài.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng mong muốn không chỉ dừng lại ở việc kiến nghị, đại biểu cần phải theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết các kiến nghị đó cho đến khi có kết quả.
Kiên trì sẽ làm được Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đã chia sẻ kinh nghiệm xử lý các bức xúc, kiến nghị của cử tri. Theo ông Đông, sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu phải xác định cơ quan có trách nhiệm rồi xây dựng kế hoạch đeo bám giải quyết kiến nghị. “Điển hình như vấn đề vì sao các KCX-KCN đầu tư cơ sở hạ tầng lại quên khâu xử lý nước thải hay dự án tạm cư cho dân chợ Bình Điền (quận 8) chậm trễ. Sau khi tiếp nhận bức xúc của cử tri, tôi đã áp dụng quy trình trên. Nhờ vậy, đến nay, đa phần các KCX-KCN đã có hệ thống xử lý nước thải; 47 hộ dân trong dự án tạm cư chợ Bình Điền cũng đã có chỗ ở. Khi đại biểu kiên trì đeo bám thì sẽ làm được” - ông Đông đúc kết. |
Bình luận (0)