* Phóng viên: Tham gia và được đánh giá cao trong hai khóa Quốc hội (QH) XI và XII, theo ông thì thế nào thực sự là một “đại biểu của dân”?
- GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: Chúng ta thường nói đại biểu phải có tài, có đức, có bản lĩnh,… Nhưng theo tôi, đại biểu trước hết phải có tấm lòng với dân, gắn với dân, hiểu dân và phải nói lên được tiếng nói của người dân.
* Đại biểu của dân phải chịu nhiều áp lực. Theo kinh nghiệm của mình, ông thấy áp lực nào là lớn nhất mà người đại biểu phải đối mặt và vượt qua?
- Áp lực lớn nhất với đại biểu là áp lực của cử tri. Áp lực này nhiều khi vô hình song những đại biểu có tâm với dân sẽ cảm nhận rất rõ. Áp lực đó đặc biệt lớn trong mỗi kỳ họp QH. Cử tri đòi hỏi đại biểu phải nói lên tiếng nói của dân, nói lên những vấn đề có ý nghĩa với cuộc sống. Thứ hai là áp lực của công việc.
Muốn làm tròn trách nhiệm với dân, đại biểu có rất nhiều công việc phải làm, đại biểu chuyên trách hay kiêm nhiệm, trong và ngoài các kỳ họp đều như vậy. Thứ ba là áp lực về tâm lý, nhất là với những vị tham gia QH lần đầu, vì đứng lên phát biểu tại hội trường là phát biểu trước gần 500 người hoạt động chính trị, trước cử tri và giới báo chí đang dõi theo mình. Áp lực thứ tư có thể có từ những người không bằng lòng với những ý kiến phản biện của mình.
* Đại biểu của dân phải là người có tâm, tầm, tài, đức… nhưng từ thực tiễn ông đánh giá cao nhất phẩm chất nào?
- Từ thực tiễn QH hai khóa XI, XII, tôi thấy những đại biểu hoạt động hiệu quả, được cử tri hoan nghênh là những người có tâm với cử tri và công việc. Đại biểu cần phải chủ động, tích cực vì nếu cả khóa mà không phát biểu lần nào trên nghị trường thì cũng không có ai phê bình, nhắc nhở. Đại biểu cũng phải là người có tài, tức là am hiểu vấn đề, đồng thời có phương pháp tiếp cận và trình bày, giải quyết vấn đề đúng.
* Ông có thấy rằng QH khóa XII có hai “mẫu” đại biểu được cử tri đánh giá cao là những người đưa những thực tiễn bức xúc của cuộc sống lên bàn nghị sự và có những ý kiến phản biện, đóng góp vào những quyết sách lớn của đất nước? Làm sao kết hợp hai “mẫu” này để có một đại biểu vẹn toàn hơn?
- Tôi lại phân vân, không biết có thể phân loại đại biểu như vậy không. Đại biểu muốn hoạt động có hiệu quả thì phải hiểu thực tế, đồng thời phải có phương pháp tiếp cận vấn đề đúng, có tầm nhìn xa. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, đại biểu phải tự đánh giá sở trường, sở đoản cho đúng để bổ sung phần tri thức, kỹ năng còn yếu.
* QH khóa XII được ghi nhận và đánh giá cao trong nỗ lực dân chủ hóa hoạt động nghị trường. Ông cho rằng QH khóa tới cần làm gì để có thể thúc đẩy quá trình này?
- Tôi thấy rằng từ ngày đổi mới tới nay, QH hoạt động ngày càng hiệu quả, sôi động và được người dân quan tâm hơn. Tôi mong Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hoạt động QH để phát huy dân chủ, tạo điều kiện tốt nhất để các đại biểu QH đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Tôi cũng mong đại biểu khóa XIII quan tâm nghiên cứu chặng đường QH khóa XII đã trải qua xem có những vấn đề gì còn tồn tại, cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Ứng xử đúng mực, hóa giải phiền phức
Đề cập những áp lực, phiền toái do những ý kiến thẳng thắn của mình trên nghị trường, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng ông hầu như không gặp phải phản ứng tiêu cực nào về những ý kiến thẳng thắn của mình trong suốt thời gian tham gia hoạt động tại khóa XI của QH. Tuy nhiên, vào cuối khóa ông cũng gặp đôi chút phiền phức với một loạt phản ứng cả trên nghị trường lẫn bên ngoài nghị trường sau những chất vấn của ông về vấn đề Vinashin. Theo ông, đại biểu QH cần lường trước những phản ứng như vậy để khi nó xảy ra thì có cách ứng xử đúng mực và hóa giải nó. |
Bình luận (0)