UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội vừa đề xuất ý tưởng xây dựng “tuyến đường ghi danh” tại hồ Gươm, tương tự mô hình “đại lộ Danh Vọng” ở Mỹ.
Xây theo hình thức BOT
Theo ý tưởng trên, các phương án xây dựng, chỉnh trang khu vực trung tâm, phần vỉa hè phía Tây trục phố Đinh Tiên Hoàng nằm sát hồ Gươm, kéo dài từ tháp Hòa Phong tới Nghi môn đền Bà Kiệu được đề xuất xây dựng “tuyến đường ghi danh”. Tuyến đường này dự kiến lát đá và khắc tên những danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội. Nếu đồng ý xây dựng, TP Hà Nội sẽ quyết định danh sách danh nhân trên “tuyến đường ghi danh”.
Ngay sau khi có ý tưởng xây dựng “tuyến đường ghi danh”, Công ty CP Đầu tư AMD đã có đề xuất gửi UBND TP Hà Nội xin được đầu tư theo hình thức BOT. Cụ thể, AMD bỏ tiền ra xây dựng, sau đó kinh doanh dịch vụ ở khu vực này.
Theo lãnh đạo AMD, nếu được chấp thuận, “đại lộ danh vọng” sẽ sử dụng đá tự nhiên để xây dựng. “Việc xây dựng tuyến đường cơ sở kết hợp những yếu tố của văn hóa truyền thống và sử dụng vật liệu trong nước để tạo ra nét văn hóa rất riêng cho Hà Nội, đồng thời góp phần tạo thêm điểm nhấn cho khách du lịch khi đến đây” - lãnh đạo AMD bày tỏ.
Về ý tưởng xây dựng “đại lộ danh vọng” kiểu Mỹ, PGS-TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, cho rằng khu vực hồ Gươm không chỉ là bộ mặt thủ đô mà còn là hình ảnh của đất nước. “Khu vực hồ Gươm mang nét văn hóa cổ kính, tâm linh và không gian hưởng thụ văn hóa của người dân, không gì có thể thay thế được. Do vậy, việc đưa doanh nghiệp vào đây kinh doanh là không hợp lý và không được ủng hộ”- PGS-TS Hùng quả quyết.
Theo ông Hùng, người dân đã đóng tiền thuế để làm đường, giờ xây thêm một phố đi bộ ghi danh mà thu phí của dân sẽ khiến nhiều người không phục. “Làm gì cũng phải tính đến hiệu quả của nó, không thể có chuyện chỉ tính đến thu tiền của dân… Nếu làm “đại lộ danh vọng”, cái mất nhiều hơn là được” - ông Hùng khẳng định.
Nguy cơ thương mại hóa
Không chỉ ông Hùng, giới chuyên môn cũng bày tỏ sự không đồng tình về việc làm tuyến đường này. TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao Thông, cho rằng biến khu vực hồ Gươm thành hợp đồng BOT là việc làm thiếu hợp lý. “Khu vực hồ Gươm là trái tim của thủ đô, biểu tượng văn hóa của TP Hà Nội. Việc thương mại hóa đường khu vực quanh hồ Gươm sẽ làm người dân phải mất tiền khi đến đây. Tôi lo không gian văn hóa cổ kính biến mất” - TS Thủy băn khoăn.
Theo GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông khác với phương Tây, đặt tên danh nhân dưới đường là không phù hợp văn hóa Việt Nam. “Chúng ta không phải cái gì cũng học theo, phải trân trọng và giữ nét đẹp truyền thống. Ở Việt Nam, tên danh nhân, người có công thường để lên cao, ở nơi trang trọng. Còn việc khắc tên danh nhân lên đường như thế là thể hiện thiếu tôn trọng” - GS Biền nêu.
Trước những ý kiến trên, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho rằng đây mới chỉ là đề xuất của một doanh nghiệp. UBND quận Hoàn Kiếm sẽ phải nghiên cứu hình thức thể hiện, bảo đảm phù hợp văn hóa người Việt và có thể triển khai ý tưởng này trong tương lai. “Trước mắt, quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai việc cải tạo cảnh quan, chỉnh trang xung quanh khu vực hồ Gươm theo dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt” - ông Long thông tin.
96% người dân ủng hộ?
Mặc dù đề xuất xây dựng “tuyến đường ghi danh” vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà khoa học nhưng khá bất ngờ là theo ông Phạm Tuấn Long, đa phần người dân đồng tình. Cụ thể, qua lấy ý kiến của UBND quận Hoàn Kiếm, có đến 96% người dân ủng hộ việc cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Gươm cùng ý tưởng xây dựng “đại lộ danh vọng”.
Bình luận (0)