Vài ngày qua, nhiều người Việt Nam, đặc biệt trong giới ngoại giao, dõi theo những bước đi của Đại sứ Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) - khi ông tham gia thi tuyển vị trí Tổng Giám đốc UNESCO.
Phần thi ấn tượng
Lần đầu tiên một nhà ngoại giao Việt Nam ra ứng cử làm người đứng đầu một cơ quan quan trọng thuộc Liên Hiệp Quốc, ông Phạm Sanh Châu đã thể hiện xuất sắc trong vòng phỏng vấn kéo dài 90 phút diễn ra tại trụ sở chính UNESCO ở Paris - Pháp hôm 27-4. Cuộc phỏng vấn được truyền trực tiếp qua website của UNESCO cho tất cả quan chức làm việc tại các văn phòng UNESCO và 193 Ủy ban Quốc gia UNESCO trên toàn thế giới theo dõi.
Phần thi của Đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các đại biểu. Ông là ứng viên có nhiều người đặt câu hỏi nhất (18 câu) và có nhiều người chúc mừng nhất. Phần trình bày của ông hay và ấn tượng, đồng thời thể hiện được cá tính, “cái tôi”.
Tiếp đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng giành được sự ủng hộ từ phía Cộng đồng Pháp ngữ sau vòng thi phụ dài 60 phút với các nước thành viên cộng đồng này. Đây là căn cứ để 58 thành viên Cộng đồng Pháp ngữ đánh giá xem có thể tiếp tục bỏ phiếu cho Đại sứ Phạm Sanh Châu với chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO hay không.
Kết quả thi tuyển vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO đến cuối năm 2017 mới ngã ngũ. Dù vậy, hình ảnh Đại sứ Phạm Sanh Châu những ngày qua như một minh chứng cho việc trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia các cuộc thi ở phạm vi toàn cầu hay đảm nhiệm chức vụ quan trọng tại nơi được mệnh danh là tổ chức trí tuệ của nhân loại.
Đại sứ Phạm Sanh Châu (trái) tại vòng thi phỏng vấn vị trí Tổng Giám đốc UNESCO Ảnh: UNESCO
Ông Phạm Sanh Châu trong một hoạt động ngoại giao. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đại sứ Phạm Sanh Châu là tên tuổi nổi tiếng trong giới ngoại giao Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình ngoại giao, ông được nuôi dưỡng trong môi trường quốc tế, được tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới khi theo cha - Đại sứ Phạm Ngọc Quế, tổng lãnh sự đầu tiên của Việt Nam tại Sri Lanka - trên những bước đường công tác.
Được đào tạo bài bản tại Việt Nam và nhiều nước châu Âu, ông Châu có khả năng sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp. Trước khi gắn bó với sự nghiệp ngoại giao văn hóa, ông đã đảm nhận vị trí phiên dịch tiếng Anh và tiếng Pháp cho khoảng 10 lãnh đạo cấp cao của Việt Nam từ năm 1991 đến 2000. Ông là trợ thủ đắc lực cho các nguyên thủ quốc gia tại các sự kiện ngoại giao, đàm phán trong quá trình cải cách kinh tế, bình thường hóa quan hệ, mở rộng quan hệ quốc tế.
Điểm đặc biệt của vị đại sứ này là ông hết sức thân thiện, dễ gần và không bao giờ né tránh những câu hỏi, tình huống khó hay nhạy cảm, luôn vượt qua những khó khăn, thách thức với phong thái bình tĩnh, nụ cười tự tin. “Tôi xem thách thức là niềm vui, thách thức càng khó đối với tôi càng thú vị” - ông Châu bày tỏ.
Nhà ngoại giao di sản
Là người từng nắm giữ nhiều vị trí khác nhau trong Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã đi qua 87 quốc gia, tiếp xúc nhiều nền văn minh lớn trên thế giới. Ông chia sẻ mình luôn khát vọng đánh thức tiềm năng về du lịch, văn hóa, thiên nhiên của Việt Nam để giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế.
Đại sứ Phạm Sanh Châu được biết đến là người có công đưa di sản Việt Nam ra thế giới sau gần 18 năm gắn bó với các hoạt động văn hóa, di sản và UNESCO. Hiện Việt Nam có 35 danh hiệu của UNESCO và một số hồ sơ vẫn đang được hình thành. Trong đó, ông đã đóng góp trong 20 bộ hồ sơ.
Với tư cách là Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO - Bộ Ngoại giao kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, từng là Chủ tịch Nhóm các đại sứ khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại UNESCO, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã góp công lớn trong việc bảo vệ và quảng bá di sản của Việt Nam, giới thiệu và vận động 8 di sản thiên nhiên, di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng nâng cao nhận thức quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Chín di sản của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông còn có công đóng góp để Việt Nam có được 6 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới…
Nhìn lại hành trình vinh danh các di sản của Việt Nam, vị “tư lệnh” trên mặt trận văn hóa đối ngoại cho rằng việc tham gia vận động khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO là một kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp ngoại giao của mình, như một “trận đánh” đầy vinh quang nhưng cũng rất đỗi gian truân. Lúc đầu, hồ sơ Hoàng thành Thăng Long bị đánh giá loại “D” (chỉ trên mức bị loại một bậc) vì cơ quan tư vấn độc lập của UNESCO về di sản văn hóa đã cử chuyên gia kiến trúc đến khảo sát trong khi Hoàng thành mạnh về khảo cổ. Tuy nhiên, sau đó, bên cạnh việc chuẩn bị thật tốt hồ sơ, chiến dịch vận động được tiến hành tập trung từ lãnh đạo cấp cao đến các cấp khác; vận động ráo riết tại Hà Nội, tại thủ đô 21 nước thành viên ủy ban và tại phái đoàn các nước ở UNESCO, Paris…
“Tại kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO ở Brazil vào tháng 6-2010, các thành viên đoàn Việt Nam đã chuẩn bị thật tốt hồ sơ, lập luận, tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất để tiếp xúc và vận động tất cả các đoàn, giải thích giá trị của Hoàng thành, nêu bật quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước... Thời khắc vị chủ tịch ủy ban gõ búa thông qua nghị quyết công nhận hồ sơ Hoàng thành Thăng Long, cảm xúc của các thành viên đoàn Việt Nam như vỡ òa với niềm tự hào to lớn vì đã đóng góp công sức cho Hoàng thành, như món quà quý giá cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” - ông nhớ lại.
Đại sứ Phạm Sanh Châu còn góp sức vận động thành công nhiều di sản quan trọng như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2005), ca trù (2009), quan họ Bắc Ninh (2009), Hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn, TP Hà Nội (2010), di sản Thành nhà Hồ (2011), bia Văn Miếu Quốc Tử Giám (2010), tín ngưỡng Vua Hùng năm (2012)… Đặc biệt, năm 2003, khi ở vị trí Đại sứ Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, ông đã “lật ngược” dự thảo quyết định của Ủy ban Di sản Thế giới để bảo vệ thành công Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Những ngày cuối năm 2016, khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ ông nung nấu khát vọng Tết Việt, áo dài Việt… cũng được vinh danh. Dường như trong ông không bao giờ ngơi nghỉ những ý tưởng đưa văn hóa Việt ra với thế giới. Điều ông luôn tâm niệm là “muốn làm điều phi thường phải có khát vọng phi thường”.
Đại sứ suốt đời
Đại sứ Phạm Sanh Châu sinh năm 1961 tại Myanmar. Ông bắt đầu vào ngành ngoại giao từ năm 1983-1984. Năm 1999-2003, ông là Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO - là người trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm vị trí này.
Năm 2003-2005, ông là Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế - Học viện Ngoại giao Việt Nam, năm 2005- 2007 giữ chức Phó Vụ trưởng Ban Thư ký APEC, năm 2007-2011 là Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO. Năm 2011-2014, ông là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Luxembourg và Trưởng đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu. Từ năm 2014 đến nay, ông là Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ - Đặc Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO.
Đại sứ Phạm Sanh Châu đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai, Huân chương Lao động hạng ba, phong hàm Đại sứ suốt đời; được Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, Bỉ tặng Huân chương Danh dự Đại thập Hoàng gia hạng nhất…
Bình luận (0)