Gần 1 tháng sau khi thủy điện Đạ Dâng 3 và thủy điện Đồng Nai 2 (huyện Lâm Hà) chặn dòng gây ngập nặng các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh của tỉnh Lâm Đồng, ngày 28-11, chúng tôi trở lại các địa phương này, chứng kiến nhiều diện tích cây trồng của người dân rũ lá chết khô. Người dân chua xót nhìn thành quả mà họ chăm sóc bấy lâu nay đến kỳ thu hoạch bị mất trắng.
Thiệt hại nặng
Gia đình bà Huỳnh Thị Chánh (58 tuổi; ngụ thôn Tân Lập, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà) có 4 sào hoa màu đang chết khô. Bà Chánh nói như mếu: “Sáng sớm 4-11, nước từ thượng nguồn đổ về, hồ thủy điện Đạ Dâng 3 chặn dòng gây ngập cao quá nửa căn nhà của gia đình tôi. Hoa màu đang vào thời kỳ cho thu hoạch ngập sâu trong nước bị chết hết, trong đó có 200 cây cà phê, 400 cây quýt. Thiệt hại khoảng 200 triệu đồng, từ giờ đến Tết gia đình không còn nguồn thu nào nữa”.
Người dân Lâm Đồng xót xa bên cây trồng bị chết do nước hồ thủy điện dâng ngập
Hơn 6 sào cà phê, xoài của ông Lê Thanh Tùng (46 tuổi, ngụ xã Đan Phượng) ở gần sông Đạ Dâng 3 cũng tan tành sau khi thủy điện này xả lũ, thiệt hại trên 300 triệu đồng. Bốn chiếc máy bơm dùng để tưới tiêu của gia đình ông cũng bị nước lũ, bùn vùi lấp, hư hỏng.
Ông Nguyễn Đông Hải (66 tuổi; ngụ thôn 3, xã Tân Thượng, huyện Di Linh) có 2 mảnh vườn gần hạ lưu thủy điện Đồng Nai 2. Khoảng 3.000 gốc cà phê cùng với ớt, cà của gia đình ông đang kỳ thu hoạch cũng rũ lá chết sạch. “Gia đình đã làm đơn cầu cứu gửi các ngành chức năng nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời” - ông Hải lo lắng.
Không chỉ thiệt hại hoa màu, việc thủy điện Đạ Dâng 3 và thủy điện Đồng Nai 2 chặn dòng đã làm đảo lộn cuộc sống người dân. Ông Nguyễn Văn Xuân (ngụ xã Liên Hà, huyện Lâm Hà) cho hay gia đình ông và một số hộ khác phải chạy lũ, đi lánh nạn nơi khác.
Lỗi do xả nước chậm
Theo thống kê sơ bộ, đợt chặn dòng tích nước vừa qua của 2 thủy điện Đạ Dâng 3 và thủy điện Đồng Nai 2 gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Chỉ riêng xã Đan Phượng có 20 ha hoa màu thiệt hai; 32 máy bơm phục vụ tưới tiêu của 29 hộ gia đình bị hư hỏng.
Ông Trương Quốc Khánh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà, xác nhận qua kiểm tra hiện trường, bước đầu cơ quan chức năng xác nhận nguyên nhân chính dẫn tới mực nước dâng cao gây ngập nhiều địa phương nói trên từ ngày 4-11 là do mưa lớn, hồ thủy điện Đại Ninh (huyện Đức Trọng) và Đa Nhim (huyện Đơn Dương) đồng loạt xả nước và do lưu lượng xả nước của hồ thủy điện Đồng Nai 2, thủy điện Đạ Dâng 3 thấp nên nước thoát không kịp, gây ngập.
Cũng theo ông Khánh, mực nước dâng bình thường theo cao trình của hồ thủy điện Đồng Nai 2 là 680 m trong khi kết quả kiểm tra cho thấy mực nước dâng của hồ ở thời điểm xảy ra ngập chỉ ở cao trình 679 m. Với việc chưa đến mực nước dâng bình thường nhưng nhiều diện tích cây trồng của người dân bị ngập úng có thể do sai sót trong quá trình cắm mốc cao trình trước đây.
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng Hành chính Tổng hợp Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2, cho biết để khẳng định có sai sót trong quá trình cắm mốc hay không thì trong vài ngày tới, chủ đầu tư sẽ thuê đơn vị tư vấn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tiến hành khảo sát, đo đạc lại cho chính xác. “Công ty sẽ xin chủ trương từ UBND tỉnh để xác định thiệt hại, đền bù cho người dân theo quy định” - ông Tuấn nói.
Sẽ đền bù thỏa đáng
Ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, cho biết sau khi thủy điện Đạ Dâng 3, Đồng Nai 2 gây ngập làm hư hại nhiều diện tích hoa màu của người dân, huyện đã đi kiểm tra thực tế, làm việc với những gia đình bị thiệt hại và các bên liên quan để tìm hướng giải quyết. Quan điểm của huyện là đền bù thỏa đáng thiệt hại cho người dân.
Bình luận (0)