Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện Bồng Miêu và Hà Ra, đồng thời tạm dừng, chưa đầu tư xây dựng 18 thủy điện khác do ảnh hưởng lớn đến dân cư, đất rừng, đất sản xuất và môi trường...
Bỏ cho dân nhờ!
Thủy điện Bồng Miêu dự kiến được xây tại khu vực Hầm Hố (thôn Bồng Miêu). Nếu dự án này khởi công thì hầu hết các hộ dân trong thôn đều bị ảnh hưởng; cây cối, hoa màu và đất sản xuất cũng sẽ bị mất nhiều.
Trong 18 dự án thủy điện của tỉnh Quảng Nam bị tạm dừng, không có tên thủy điện Sông Tranh 4 (xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức). Dự án này nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia năm 2006-2015 và là một trong 33 thủy điện bậc thang nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam nhưng đã bị “treo” nhiều năm nay.
Theo ông Đào Bội Thuyên, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, do chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 4 gặp khó khăn về tài chính nên dự án chưa được triển khai. Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thử cho biết dự án thủy điện Sông Tranh 4 bị “treo” là do thủy điện Sông Tranh 2 không được Chính phủ cho tích nước bởi liên tục xảy ra động đất.
Theo thiết kế, hoạt động của thủy điện Sông Tranh 4 sẽ phụ thuộc vào thủy điện Sông Tranh 2. Nếu thủy điện Sông Tranh 2 được cho tích nước thì thủy điện Sông Tranh 4 mới hoạt động được. Chính vì thế, phải chờ thủy điện Sông Tranh 2 được phép tích nước thì dự án này mới chuyển động.
Hậu quả nặng nề
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 44 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất 1.584,6 MW, điện lượng bình quân năm 6,261 tỉ KWh/năm. Đặc biệt, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn “gánh” thủy điện nhiều nhất với 10 dự án có tổng công suất 1.147 MW, điện lượng 4,521 tỉ kWh/năm, chiếm 72,37% công suất toàn tỉnh.
Chính việc quy hoạch, phát triển thủy điện ồ ạt lâu nay đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, khiến tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá. Đặc biệt, tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân vùng thủy điện gặp rất nhiều khó khăn. Tại các khu tái định cư thủy điện, diện tích đất sản xuất mà các chủ đầu tư cấp cho các hộ chủ yếu là đất nương rẫy và chỉ bằng 1/4-1/3 diện tích nơi ở cũ. Hậu quả là các hộ dân bỏ khu tái định cư để đi nơi khác tìm kế sinh nhai.
Tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích đất rừng và đất khác là hơn 763.000 ha, trong đó thu hồi để đầu tư 22 công trình thủy điện là hơn 11.000 ha nhưng đến nay chỉ mới phủ xanh lại được hơn 28 ha. |
Bình luận (0)