Xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa là vựa gạch nung của tỉnh Khánh Hòa, mỗi năm cung cấp hàng chục triệu viên. Các lò gạch tập trung dọc Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa - Đắk Lắk với mật độ dày đặc khiến không khí ở khu vực này đặc quánh khói bụi.
Mang bệnh vì lò gạch
Theo thống kê, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 62 hộ sản xuất với gần 100 lò gạch thủ công, chủ yếu tập trung ở xã Ninh Xuân với 54 hộ sản xuất gạch. Mỗi khi lò gạch nổi lửa, khói đen, khói trắng bao trùm cả khu vực khiến không khí ở Ninh Xuân hết sức ngột ngạt. Cây cối chậm lớn, ruộng vườn gần như trơ trọi vì khói bụi. Chị Phạm Thị Lan, một người dân sống ở đây, than thở: “Chúng tôi thường xuyên bị bệnh hô hấp, dị ứng da, ngột ngạt khó chịu. Khổ nhất là các em học sinh tại Trường THCS Lý Thường Kiệt. Mấy đứa nhỏ vừa học vừa ho”.
Các chủ lò gạch cần cơ quan chức năng hỗ trợ để chuyển đổi nghề
Trường này bị bao vây bởi hơn chục lò gạch khiến việc dạy và học của các thầy cô, học sinh gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Trinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, cho biết nhà trường liên tục phản ánh về tình trạng lò gạch xả khói làm các em học sinh bị ngạt, ho, chảy nước mắt trong nhiều năm nên UBND xã đã đề nghị 14 lò gạch dừng hoạt động. Đến nay, 7 lò gạch nằm sát trường dừng sản xuất hẳn, 7 lò gạch còn lại đang hoạt động cầm chừng.
Chưa có chính sách hỗ trợ, chuyển nghề
Để chấm dứt tình trạng ô nhiễm, cuối năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành chỉ thị chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn thị xã Ninh Hòa vào cuối tháng 6-2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, người dân và chính quyền cấp xã vẫn băn khoăn vì chưa có chính sách đền bù, chuyển đổi nghề cụ thể sau khi người dân bỏ nghề làm gạch. Chủ lò gạch Lê Văn Hải - ngụ thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân - hoang mang: “Cuối tháng 6-2014 dừng hoạt động của lò gạch mà đến cuối tháng 4-2014, chúng tôi mới biết tin, như vậy là quá gấp gáp và quá sốc cho người dân. Nhiều chủ lò gạch đã dự trữ đất và chất đốt cho cả năm với số tiền hàng tỉ đồng, giờ không biết bỏ đi đâu”. Tương tự, bà Ngô Thị Tuyết, ngụ thôn Phước Lâm, làm nghề sản xuất gạch từ năm 1995, cho rằng nếu bắt buộc chấm dứt hoạt động thì phải hỗ trợ để người dân chuyển đổi nghề hoặc quy hoạch địa điểm di dời cho người dân tiếp tục sản xuất, tránh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Các lò gạch xả khói gây ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua
Theo ông Trinh, việc sản xuất gạch tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, đồng thời cũng là thế mạnh kinh tế của địa phương nên nếu chấm dứt hoạt động thì các cấp lãnh đạo cần có biện pháp hỗ trợ, chuyển đổi phương thức sản xuất hoặc chuyển đổi nghề phù hợp để người dân yên lòng. Tuy nhiên, theo ông Trần Công Hoán, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, trong chỉ thị của UBND tỉnh Khánh Hòa không nói đến chuyện kiểm kê, hỗ trợ các cơ sở sản xuất khi đóng cửa nên thị xã không thể làm khác. Vì vậy, UBND thị xã Ninh Hòa đang gấp rút làm kiến nghị gửi UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề để người dân nhanh chóng đóng cửa lò gạch.
Theo ông Hoán, cơ quan chức năng muốn các lò gạch ở Ninh Xuân dùng công nghệ gạch không nung để tránh gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một chủ cơ sở sản xuất gạch ở đây cho biết người dân chưa hề biết đến công nghệ sản xuất gạch không nung. Hơn nữa, để đầu tư một cơ sở sản xuất gạch không nung phải bỏ ra khoảng 5-7 tỉ đồng. Đó là một con số quá lớn và quá sức đối với người dân ở xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa.
Hàng trăm hố sâu nguy hiểm
Không chỉ tung khói bụi mù trời, những lò gạch còn tạo ra hàng trăm hố sâu nguy hiểm nằm dọc Quốc lộ 26 khi đào bới lấy đất sét làm nguyên liệu. Theo một chủ lò gạch, để làm ra 1.000 viên gạch cần khoảng 1,5 m3 đất sét nguyên liệu. Mỗi tháng 1 lò gạch có thể sản xuất được khoảng 200.000 viên gạch nên cần đến 300 m3 đất sét nguyên liệu. Hiện nay, thị xã Ninh Hòa có gần 100 lò gạch thủ công, mỗi năm cho ra lò gần 100 triệu viên, tiêu tốn hết 150.000 m3 đất sét, tương ứng với khoảng 75 ha đất bị khai thác.
Bình luận (0)