Việc đưa nước sạch ra ngoại thành vẫn là câu chuyện nan giải, nhất là nguồn vốn. Vấn đề này đã được đưa ra mổ xẻ trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TP HCM tổ chức sáng 6-4 tại UBND huyện Hóc Môn.
Bất an nhưng vẫn phải xài
Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), hiện có chưa đến 10% người dân ở 4 huyện ngoại thành: Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh và quận 12 được sử dụng nước sạch, số còn lại chủ yếu dùng nguồn nước hợp vệ sinh (giếng khoan). Theo tiêu chí, nước hợp vệ sinh là nước không màu, không mùi, không vị.
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, lo ngại: “Sau nhiều ngày đi thực tế, chúng tôi không yên tâm bởi nhiều nơi nước được cho là hợp vệ sinh nhưng khi người dân đưa đi kiểm nghiệm thì độ phèn rất cao, không thể sử dụng. Vì vậy, nhiều người dân phải tốn thêm tiền để mua bình lọc nước”.
Cử tri Nguyễn Văn Minh (phường Long Phước, quận 9) cho biết trên đường đi dự chương trình, ông rất mừng vì trời đổ mưa. Hơn 200 hộ dân ở khu vực ông đều dùng nước mưa để uống và nấu ăn vì nước giếng bị ô nhiễm nặng. Hết nước mưa, họ phải mua nước với giá 60.000 đồng/m3 từ những hộ lấy từ sông Đồng Nai.
Cũng do thiếu nước máy nên hàng trăm hộ dân ở ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh từ nhiều năm qua vẫn phải sử dụng nước giếng khoan bị ô nhiễm nặng. Ông Nguyễn Văn Phi, ngụ ấp 3, cho biết: “Hầu hết giếng ở ấp đều khoan sâu hơn 150 m, qua 2 lần lọc nhưng vẫn còn mùi tanh của phèn. Nhà nào có hồ lọc thì mỗi tuần phải súc, nạo phèn”.
Hàng ngàn hộ dân tại các xã Bà Điểm, Xuân Thới Sơn, Đông Thạnh của huyện Hóc Môn cũng phải sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm phèn. Trong đó, các ấp 1, 2, 3 và 7 của xã Đông Thạnh - nằm quanh bãi rác Đông Thạnh - có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Trừ những hộ khá giả mua nước bình để ăn uống, còn lại phải chấp nhận dùng nước ô nhiễm.
Kêu gọi xã hội hóa
Ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, cho biết trong kế hoạch năm 2014-2015, có 220 dự án cấp nước cho hàng ngàn hộ dân ở ngoại thành và một số khu vực của các quận 12, Thủ Đức, Bình Tân với tổng kinh phí 2.200 tỉ đồng. Trong đó, một số dự án sẽ hoàn tất trong năm nay, còn lại phải chờ vì SAWACO chỉ cân đối được 50% vốn.
Góp phần giải bài toán cung cấp nước sạch cho người dân ngoại thành, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho rằng có 3 nhóm giải pháp: Thứ nhất, tập trung cấp nước cho nhóm cư dân nằm rải rác ở các huyện ngoại thành. Theo đó, SAWACO sẽ xây dựng các bể chứa lớn để chuyển nước cho người dân.
Những nơi không có điều kiện xây bể, SAWACO hỗ trợ bồn chứa nước hoặc huy động tư nhân, doanh nghiệp tham gia. Thứ hai, các đơn vị cấp nước phải quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, phối hợp tốt để người dân được dùng nước sạch đủ và đúng giá.
Theo ông Cang, hiện nay, nhiều địa phương cứng nhắc, không dám xác nhận việc tạm trú dài hạn nên người dân chưa được hưởng định mức nước. Thứ ba là giải quyết giá nước sau bồn, tránh tình trạng SAWACO cung cấp nước đúng giá quy định nhưng do người quản lý bồn cộng thêm các chi phí quản lý nên khi nước đến với người dân, giá tăng lên vài chục ngàn đồng/m3 .
Về nguồn vốn, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết sẽ kêu gọi xã hội hóa bởi ngân sách có hạn. Hai năm tới, TP cần hàng ngàn tỉ đồng đầu tư 130 km mạng cấp 1-2 để tiếp nhận nước của 2 nhà máy Tân Hiệp 2 và Thủ Đức 2, đầu tư 1.080 km đường ống cấp 3 dẫn nước đến hộ dân.
UBND TP HCM đã giao SAWACO và Sở GTVT xây dựng đề án “Xã hội hóa ngành cấp nước” theo hướng SAWACO bán sỉ, các nhà đầu tư tham gia và bán lẻ cho dân. Tuy nhiên, UBND TP vẫn quản lý giá nước.
Ông Tín đồng tình với các giải pháp của Sở GTVT. Theo đó, trong tháng này sẽ kiểm tra lại toàn bộ các điểm cấp bồn và giải quyết chuyện giá nước sau bồn. Các khu vực xa, TP vẫn tiếp tục bù giá cho việc cấp bồn.
Nên dành phần dễ cho tư nhân
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, kiến nghị UBND TP sớm thực hiện những giải pháp đã đưa ra để nước sạch sớm đến với người dân ngoại thành. Theo bà, nhiều ngày đi khảo sát cho thấy chất lượng “nước hợp vệ sinh” mà người dân ngoại thành đang sử dụng là đáng lo ngại. Chất lượng nước khác nhau khiến chênh lệch giữa cuộc sống của người dân ngoại thành và nội thành càng cao.
Bà Tâm cho rằng cần xã hội hóa ngành cấp nước. Theo đó, nguồn vốn ngân sách sẽ đầu tư những khu vực xa, vốn tư nhân nên ưu tiên những khu vực dễ thực hiện.
Bình luận (0)