Xã đảo Tân Hiệp thay da đổi thịt từng ngày và vươn lên mạnh mẽ nhờ những nghị quyết bắt nguồn từ cuộc sống và hợp với lòng dân. Chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm mà đời sống người dân Cù Lao Chàm đã có những đổi thay vượt bậc. Thu nhập bình quân đầu người từ gần 12 triệu đồng/người/năm vào năm 2010, đến cuối năm 2014 đạt 27 triệu đồng/người/năm.
Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Ở thôn Bãi Ông, ai cũng biết vợ chồng ông Nguyễn Văn Anh. Khi mới cưới nhau, họ làm nghề bán nước mía. Vậy mà chỉ sau 5 năm, họ đã mở được nhà hàng, sắm được 2 chiếc ca-nô phục vụ khách du lịch. Ở thôn Bãi Làng cũng có gia đình ông Nguyễn Ngọc Di, từ hộ buôn bán nhỏ nay đã mở được nhà hàng, khách rất đông.
Tại thôn Cấm, gia đình ông Nam trước đây thuộc diện hộ nghèo, xã phải trợ cấp hằng năm nhưng bây giờ đã có cuộc sống tương đối ổn định với thu nhập từ việc cung cấp rau rừng cho các nhà hàng trên đảo hơn 10 triệu đồng/tháng. Gia đình ông Tung ở thôn Bãi Hương vốn làm nghề cá. Khi xã có chủ trương phát triển du lịch, vợ chồng ông cùng một số bà con trong thôn mở thêm dịch vụ homestay, nhờ vậy mà có của ăn của để, lo cho con cái học hành đàng hoàng.
Ông Trần Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, cho biết Cù Lao Chàm thay da đổi thịt như hôm nay xuất phát từ quyết tâm đưa nghị quyết vào đời sống. Với lợi thế về tài nguyên biển đảo, nơi có Khu Bảo tồn biển quốc gia và là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Thành ủy Hội An đã ra Nghị quyết 08 về “Định hướng phát triển du lịch Cù Lao Chàm đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020”.
Năm 2010, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tân Hiệp cũng đã xác định tập trung đầu tư, từng bước đưa kinh tế dịch vụ - du lịch - thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Nhờ quyết tâm làm, đến nửa cuối nhiệm kỳ, dịch vụ - du lịch - thương mại trở thành ngành kinh tế chiếm tỉ trọng doanh thu cao trong sự phát triển kinh tế của địa phương. Cũng nhờ đó mà xã đã thực hiện thành công chuyển dịch lao động và giải quyết việc làm cho người dân từ nông - lâm - ngư sang dịch vụ - du lịch - thương mại. Hiện toàn xã có hơn 500 lao động trực tiếp làm dịch vụ - du lịch, thoát nghèo bền vững” - ông Dũng nhấn mạnh.
Mạnh nhờ đồng thuận
Xã đảo Tân Hiệp vốn là địa phương thụ hưởng từ nguồn cân đối ngân sách hằng năm của TP Hội An. Đầu nhiệm kỳ 2010-2014, nguồn thu tại chỗ của địa phương đạt gần 150 triệu đồng. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ - du lịch, đến cuối nhiệm kỳ, nguồn thu đã vượt hơn 4 tỉ đồng.
Trong 5 năm, từ các nguồn vốn của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An, xã Tân Hiệp đã đầu tư hơn 400 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ dân sinh, như hồ chứa nước Bãi Bìm, kè Bãi Làng, kè Bãi Hương, sửa chữa âu thuyền, nhà tránh bão, đường quốc phòng dân sinh phía Đông, chợ Tân Hiệp, các công trình phục vụ khách du lịch… Tất cả đã thực sự làm thay đổi diện mạo của xã đảo, nâng cao chất lượng sống của người dân nơi đây.
Nói về sự thành công trong việc đưa nghị quyết của đảng bộ vào thực tiễn và đạt kết quả cao, ông Trần Tấn Dũng cho rằng trước tiên, nghị quyết phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương và được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo. Đảng bộ xã Tân Hiệp đã vận dụng linh hoạt các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên để đề ra nghị quyết lãnh đạo sát với tình hình cụ thể của địa phương, hợp với lòng dân.
“Điều quan trọng là nghị quyết đáp ứng sự mong mỏi của người dân, được dân tin và tự nguyện tham gia. Họ coi nghị quyết của Đảng như ánh đèn rọi sáng và đổi thay cuộc sống chính mình. Lòng dân - ý Đảng đã hòa quyện vào nhau, tạo ra sự đồng thuận” - ông Dũng đúc kết kinh nghiệm.
Được dân tin
Đảng bộ xã Tân Hiệp hiện có 9 chi bộ; 84 đảng viên. Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, nhận xét: “Đảng viên của Đảng bộ Tân Hiệp trình độ có hạn, ít có điều kiện tiếp cận cái mới. Tuy nhiên, anh em lại rất tâm huyết, sát dân, đặt ra những việc cụ thể nhất sát với điều kiện của dân để triển khai thực hiện và kịp thời đề nghị cấp trên hỗ trợ thực hiện cho được. Do đó được dân tin tưởng, ủng hộ hết mình và thực hiện thành công mọi mục tiêu đề ra một cách vững chắc, sâu rộng.
Bình luận (0)