Đối với sự cố máy bay huấn luyện Mi172/423 của quân sự cắt ngang qua đầu máy bay VN1376 của Vietnam Airlines trên đỉnh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 29-10, các bên tham dự họp gồm có Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam (VATM), Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng - Không không quân (Bộ Quốc phòng).
Đối với sự cố sập mạng Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh (ACC/HCM) trưa ngày 20-11 có sự tham gia của VATM.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Cục Hàng không phải chủ trì họp để làm rõ nguyên nhân và đánh giá tính chất của từng sự cố, có biện pháp khắc phục để không lặp lại sự cố tương tự trong tương lai. Đồng thời xử lý trách nhiệm của những người liên quan.
Được biết nguyên nhân gây sự cố tại ACC/HCM là do mất điện đột ngột. Mặc dù có hệ thống điện dự phòng nhưng nguồn điện này cùng lúc cũng bị trục trặc, không kích hoạt được dẫn đến tình trạng sập mạng của ACC/HCM, hệ thống radar tê liệt. Sự cố xảy ra lúc 11 giờ 5 phút, đến 13 giờ 40 phút được khắc phục xong và khai thác ổn định trở lại.
Khi xảy ra sự cố, Công ty Quản lý bay miền Nam kịp thời báo cáo các cơ quan có liên quan. Các bước tiếp theo được triển khai theo đúng quy trình ứng phó không lưu đã được phê duyệt.
Cụ thể là VATM đưa Trung tâm ứng phó không lưu tại Hà Nội (ATCC/HAN) giành quyền điều hành bay thay cho ACC/HCM. Đồng thời thông báo cho các Trung tâm Kiểm soát đường dài của các quốc gia lân cận gồm Singapore, Manila, Sanya, Kualalumpur,Vientiane, Phnompenh triển khai ngay kế hoạch ứng phó không lưu. Yêu cầu các cơ sở điều hành bay của Việt Nam tạm thời dừng cất cánh đối với các máy bay chuẩn bị khởi hành. Các chuyến bay đang đến sân bay Tân Sơn Nhất được hướng dẫn quay lại sân bay khởi hành, bay chờ tại các khu vực chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị. Không có sự cố an toàn nào xảy ra trong thời gian sập mạng ACC/HCM.
Bình luận (0)