Bà Huỳnh Thị Kim Bô là nữ thẩm phán duy nhất ở TAND Phú Yên xử nhiều án tử. Bước sang tuổi 61, bà Bô vẫn nhớ như in 8 vụ án tử mà bà ngồi ghế chủ tọa phiên tòa bởi “vụ án nào cũng phải mất ngủ suốt mấy đêm, sao không nhớ được”.
“Khắc tinh” của những kẻ chạy án
Trong vụ án cách đây gần 20 năm, bà Bô phải đối mặt với sát nhân tên Dũng (ngụ TP Tuy Hòa, Phú Yên) giết chết cháu B.Đ - con riêng của vợ mình mới học lớp 1. Sau khi đón cháu B.Đ tan học, Dũng chở cháu ngược lên con suối ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa rồi ra tay sát hại. Vứt lại xác B.Đ xuống suối, Dũng tỉnh bơ về nhà. Khi ra tay xong, Dũng xóa mọi dấu vết. Chỉ có bạn học của B.Đ nhìn thấy Dũng chở cháu đi.
Trước cơ quan điều tra, bị cáo Dũng khai mọi chuyện. Thế nhưng khi ra tòa, y bất ngờ phản cung, cho rằng mình chở cháu B.Đ về nhà rồi đi nhậu, chứ không giết cháu. Rồi Dũng ăn vạ, nằm lăn ra giữa tòa. “Tôi phải đấu tranh đến từng chi tiết. Một nhóm điều tra viên, kiểm sát viên đứng sau hội trường xử án, nghe bị cáo khai vào thời điểm đó đi đâu là lập tức chạy đến xác minh để về đấu tranh” - nữ cựu thẩm phán nói.
Suốt 3 ngày xét xử, bị cáo Dũng không còn tìm cách nào để chối tội nhưng cũng không nhận tội. Bà Bô vẫn không tuyên án mà để Dũng tâm phục, khẩu phục nhận tội. Bước sang ngày xét xử thứ 4, bất ngờ Dũng kể đêm qua mình nằm mơ thấy cháu B.Đ về báo mộng rằng mình không thể thoát tội và khuyên y nhận tội. Cuối cùng, Dũng thừa nhận toàn bộ hành vi giết người của mình.
“Dù là tội phạm nhưng khi đứng trên công đường, họ vẫn là một con người, một sinh mạng. Chỉ sơ suất một chút sẽ dẫn đến oan sai thì ân hận suốt đời nên tôi phải cân nhắc dữ lắm! Tuyên án rồi cũng không ngủ được. Phải rà soát lại toàn bộ xem mình có bỏ sót chi tiết nào không. Không ai có thể ăn ngon, ngủ yên khi nghĩ rằng mình vừa tước đi một mạng sống, dù đó là mạng sống của tên sát nhân. Tôi thật sự chỉ thanh thản khi về hưu” - bà Bô bộc bạch.
Nhiều năm xử các vụ án hình sự, bà Bô không nhớ mình từng từ chối bao nhiêu vụ chạy án. Nhiều vụ người ta chở cả xe bạc đến nhà bà hoặc thông qua người này, người kia để chạy án. Có lần bà xét xử vụ đưa người vượt biên trái phép khi còn làm ở TAND Phú Khánh, người nhà vác cả bao bạc đến xin bà giảm nhẹ tội. Bà chỉ nói dứt khoát: Mang về đi, nếu không tôi gọi công an.
Ông Vũ Xuân Hải, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Yên, rất kính nể khi nói về bà Bô. “Đụng đến án tử, bất kỳ thẩm phán nào cũng phải cân não, đắn đo, mất ăn mất ngủ để suy xét. Phải cân nhắc người đó có còn cải tạo được hay không, có cần thiết để loại khỏi xã hội hay không. Án 20 năm trở lên chung thân, thẩm phán đã đau đầu rồi, huống gì là án tử hình. Một phụ nữ như chị Bô ngồi ghế chủ tọa xử những vụ án tử là điều rất hiếm”- ông Hải nói.
Sợ nhất là oan sai
Tại Thanh Hóa, nhắc đến những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, người làm trong ngành tòa án thường kể về thẩm phán Trần Hồng Đính - nguyên Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh Thanh Hóa.
Với ông, tất cả những người bị tuyên tử hình là xác đáng với tội ác mà họ gây ra nhưng có không ít tử tù để lại cho ông sự tiếc nuối. “Có nhiều vụ án tôi thấy tiếc nuối cho các bị cáo. Thế nhưng, với những gì mà họ gây ra, sự khoan hồng của xã hội là không đủ để cứu vãn sự sống của họ. Cũng có nhiều vụ, hội đồng đề nghị án tử nhưng tôi đánh giá, nhìn nhận từ nhiều phía nên đã không đồng ý và sau đó được chấp nhận” - ông Đính nói.
Năm 2001, TAND tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử Phạm Bá Dìn (ngụ huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Trần Văn Kế và đồng bọn về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Vụ án có số người bị tử hình lên đến 12 bị cáo và xét xử kéo dài 10 ngày. Cả ngàn người đã đến theo dõi phiên tòa.
Là một vụ phức tạp nên suốt thời gian xét xử, ông Đính và đồng nghiệp ăn, ngủ tại cơ quan cũng như cắt toàn bộ liên lạc với bên ngoài. Hôm đưa các đối tượng ra pháp trường, bất ngờ, bị cáo Dìn và Kế xin khai thêm các đối tượng tham gia đường dây. Lúc này, hội đồng thi hành án phải đưa ra rất nhiều lựa chọn có tiếp tục thi hành hay dừng lại. Cuối cùng, hội đồng thi hành án quyết định dừng thi hành án tử đối với Dìn và Kế để tiếp tục điều tra, xác minh; 4 đối tượng khác vẫn đưa tới pháp trường tử hình như kế hoạch.
Khi nhìn thấy đồng bọn gục ngã tại pháp trường, Dìn và Kế sợ đến ngất xỉu. Dù thoát nạn thời khắc đó nhưng khi về trại giam, những lời khai của 2 đối tượng không có yếu tố để khoan hồng nên 2 năm sau, Kế và Dìn vẫn bị xử y án.
Để có thể kiên định xử những vụ án trọng điểm, thẩm phán Trần Hồng Đính từng nhiều năm chiến đấu ở chiến trường, đã giáp mặt với kẻ thù thực sự. “Những người ngồi tòa thường lo sợ bị trả thù, người thân, gia đình bị đe dọa, lo lắng cuộc sống không bình yên do tuyên án tử quá nhiều và điều quan trọng nhất là sợ oan sai nên rất nhiều thẩm phán ngại xử những vụ lớn. Nhưng mình là người thực thi pháp luật, nắm luật nên không sợ. Điều quan trọng là mình xử đúng, khách quan, trung thực” - vị thẩm phán khẳng khái.
Kỳ tới: Tiếng nấc giữa phiên tòa
Không ngại “chỉ đạo”
Thẩm phán Huỳnh Thị Kim Bô nhớ vụ xử nợ nần trong chuyện làm ăn nhưng lại hình sự hóa thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Một trong những lãnh đạo cao nhất của tỉnh là người quen của bị hại nên tác động để chỉ đạo bà phải xử bị cáo có tội nhưng bà không chịu. “Sau đó, họ đe dọa tôi nhưng ở tòa, tôi vẫn tuyên vô tội. Đến khi phúc thẩm, họ lại tuyên có tội vì lãnh đạo ấy tác động. Tôi không chịu thua, viết thư riêng và gửi toàn bộ hồ sơ vụ án ra Chánh án TAND Tối cao. TAND Tối cao rút hồ sơ lên xử lại và tuyên vô tội như sơ thẩm”- bà kể.
Bình luận (0)