Những ngày đầu tháng 4, khi đi ngang qua Quốc lộ 91 đoạn chạy dọc sông Hậu (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), ai cũng dễ dàng bắt gặp cuộc sống thường nhật của những ngư dân trên đoạn sông này. Trông khung cảnh có vẻ bình yên, lặng lẽ nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, có tới gần chục chiếc ghe đang hì hục đánh bắt cá, tôm ở đây. Đối với những ghe chạy gần bờ, người ta có thể thấy được ngư dân đang thả dây điện theo lưới để đánh bắt.
Hàng chục chiếc ghe dùng xung điện bắt cá trên một đoạn sông
Khi dùng xung điện để đánh bắt thì cá bắt được cũng chết mà cá tôm không bắt được cũng chết, bất kể lớn hay nhỏ. Đặc biệt, có người còn quấn cả dây điện vào chân để chịu lại sức cản của nước. Rõ ràng, không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản mà còn có thể gây hiểm họa cho chính bản thân họ.
Quấn cả dây điện vào chân trông rất nguy hiểm
Một người dân sống ở đây cho biết ngày nào họ cũng đánh bắt như vậy. Mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng thường cảnh báo và các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng ngư dân ở đây vẫn vì cái lợi trước mắt mà quên đi mối nguy hại trong cái nghiệp mưu sinh của mình.
Vừa dùng lưới cào, vừa dùng xung điện thì cá, tôm nào còn?
Theo điều 15 tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản thì:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản (trừ hành vi quy định tại khoản 3 điều này và việc sử dụng kích điện tại ao nuôi để thu hoạch thủy sản).
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác.
3. Mức phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản như sau:
a) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét nước;
b) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá có lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên đến dưới 50 sức ngựa;
c) Phạt tiền từ 9.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 50 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa;
d) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa đến dưới 250 sức ngựa;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa đến dưới 400 sức ngựa.
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 sức ngựa trở lên.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản…
Bình luận (0)