Sau 5 năm triển khai Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (gọi tắt là Quy chế 43), nhiều bất cập trong quy chế này một lần nữa được mổ xẻ tại hội thảo khoa học “Đổi mới kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ” do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức sáng 14-12.
Một trong những bất cập được nhiều đại biểu đề cập là vấn đề thang điểm. Quy chế 43 quy định điểm đánh giá bộ phận và điểm thi kết thúc học phần được chấm theo thang điểm 10, sau đó chuyển sang thang điểm chữ tương đương với các mức A (từ 8,5-10 điểm), B (7,0-8,4), C (5,5-6,9), D (4,0-5,4), F (nhỏ hơn 4 điểm), sau đó thang điểm chữ lại chuyển sang thang điểm 4 để tính điểm trung bình chung.
Phân tích mức điểm của một sinh viên đạt 6 điểm và một sinh viên đạt 5 điểm, TS Nguyễn Thị Túy Lan, Khoa Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng nếu tính theo thang điểm 10, điểm trung bình chung của 2 sinh viên chênh lệch nhau 20%, trong khi theo thang điểm 4, chênh lệch này là 100%. “Quá trình chuyển đổi thông qua nhiều bước đã làm gia tăng sai số cuối cùng” - TS Lan nhận định.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cũng cho rằng dù các trường đào tạo theo tín chỉ nhưng vẫn mang hơi hướng của đào tạo niên chế. Ví dụ Trường ĐH Cần Thơ tính mức điểm chữ, trong khi Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) tính mức điểm 100. Việc quy định điểm phải thi lại tại các trường cũng khác nhau, có trường sinh viên 4 điểm thì đạt, có trường thì 4,5 điểm vẫn phải thi lại, có trường làm tròn điểm có trường lại tính điểm lẻ…
“Sự thiếu thống nhất trong thang điểm không chỉ làm khó cho giảng viên trong quá trình thỉnh giảng tại các trường mà thiệt thòi lớn cho sinh viên khi chuyển từ trường này qua trường khác, đặc biệt các trường ở nước ngoài. Quy chế 43 như vậy chỉ mang tính chất tham khảo, vì nhiều trường thực hiện không đúng theo quy chế này cũng không sao” - TS Nghĩa nói.
Một trong những yếu tố quan trọng của đào tạo tín chỉ là việc đánh giá quá trình học tập của sinh viên bởi qua đó mới phân loại chính xác kết quả quá trình dạy học, tạo sự công bằng. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng dường như các trường đang rất ngại khi có một số lớn sinh viên không đủ năng lực bị buộc thôi học, do đó việc đánh giá hiện nay còn thiếu thực chất. Theo TS Tôn Thất Dụng, Trường ĐH Sư phạm Huế, nhiều trường đã vận dụng “linh hoạt” Quy chế 43 khiến việc đánh giá trở nên đơn giản và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Theo quy chế, giảng viên được trao quyền đánh giá quá trình học và trọng số lên đến 50%. Tuy nhiên, đa phần hiệu trưởng các trường không giao trọn 50% trọng số đánh giá kết quả cho giảng viên mà chỉ từ 30% - 40%. “Chúng ta chưa thực sự an tâm về kết quả đánh giá quá trình học tập của sinh viên. Đã đến lúc việc sàng lọc sinh viên không có năng lực học tập phải được thực hiện cương quyết hơn và phải thật sự thắt chặt đầu ra mới hy vọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” - TS Dũng đề nghị.
Bình luận (0)