Ông Lê Văn Một, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội, phàn nàn chuyển sang đào tạo theo tín chỉ là phải thiết kế chương trình học mềm dẻo cho các khối. Tuy nhiên, do các trường phải thiết kế hoặc thuê đơn vị khác thiết kế chương trình nên gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường ngoài công lập, trường CĐ mới nâng cấp lên ĐH.
Sinh viên học ngoại ngữ tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Vấp ở các khâu
Một lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương cũng cho hay trường đào tạo tín chỉ theo kiểu vừa tiếp cận vừa làm sao cho phù hợp điều kiện của giáo dục ĐH Việt Nam. “Giai đoạn đầu thực hiện rất khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Việc chia nhỏ các lớp là cực kỳ vất vả” - vị này cho biết. Hiệu trưởng Trường ĐH Y Thái Bình, ông Lương Xuân Hiến, nói các trường đào tạo ngành y rất khó khăn với một số môn liên quan đến bệnh viện. Các trường phải tuân thủ theo lịch trình, kế hoạch chăm sóc người bệnh của bệnh viện chứ không thể chủ động hoàn toàn.
Chờ Bộ GD-ĐT hỗ trợ
Để phương thức đào tạo hiện đại và nhiều ưu điểm này trở nên thực chất, lãnh đạo các trường ĐH đều cho rằng phải có sự hỗ trợ từ phía Bộ GD-ĐT. Lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương đề nghị bộ quan tâm mở rộng khuôn viên cho các trường. Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long kiến nghị bộ nên thiết kế phần mềm dùng chung cho các trường, trong đó có những mô đun mở để các trường phát triển thêm cho phù hợp với điều kiện của mình. Giám đốc Học viện Phòng không - Không quân cho rằng Bộ GD-ĐT nên tập trung các chuyên gia để tổ chức tập huấn cho các trường, qua đó tạo sự thống nhất giữa các cơ sở đào tạo.
Trước phản hồi từ phía các cơ sở đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng chính ông cũng không tin có thể đồng loạt đào tạo theo tín chỉ khi đội ngũ giáo viên còn thiếu, cơ sở vật chất và hệ thống tài liệu phục vụ giảng dạy chưa đầy đủ. Ông cũng cho rằng không thể triển khai đồng loạt một cách máy móc khi chưa có sự chuẩn bị chu đáo, nếu đào tạo theo phong trào sẽ “làm hại” phương thức đào tạo này. “Bộ khuyến khích các trường chuẩn bị đủ điều kiện để triển khai một cách thực chất chứ không phải trên lời nói. Vụ Giáo dục ĐH, Cục Khảo thí cần chuẩn bị tài liệu và sơ kết, tổng kết ở những trường đã triển khai đào tạo theo hình thức này” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo.
“Đào tạo theo tín chỉ không được “đẻ non”, không giả dối. Không thể để hình thức đào tạo rất tốt trên thế giới này phải mang tiếng xấu do ta làm không tốt”
(Bộ trưởng Phạm Vũ Luận) |
Bình luận (0)