Chúng tôi vừa có chuyến tháp tùng 250 CNVC-LĐ “Làm theo lời Bác” của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra thăm Côn Đảo vào những ngày giữa tháng 4. Cách bờ 12 giờ đi tàu, Côn Đảo hiện ra trước mắt chúng tôi trong buổi bình minh yên ả, rực nắng.
Du khách tham quan Côn Đảo
Côn Đảo tuyệt đẹp!
Thị trấn Côn Đảo tươi tắn tuyệt vời với những cây bằng lăng hoa tím, những cây bò cạp nước hoa vàng rực rỡ. Núi rừng nguyên vẹn vẻ hoang sơ, nước biển trong vắt, cát trắng mịn đến không ngờ. “Tôi đã sống ở đây 4 năm khi còn bé. Đến giờ không còn nhớ gì. Nhưng Côn Đảo tuyệt đẹp đúng như những câu chuyện mẹ tôi thường kể”- chị Huỳnh Trang, một thành viên trong đoàn, xúc động thốt lên. Trước đó, chị Trang đã cất công hỏi người dân và được biết hiện Côn Đảo vẫn còn những hộ trồng lúa, khoai mì; còn mặt hồ sáng sớm nở đầy hoa súng.
Giữ gìn báu vật vô giá
Không chỉ vậy, Côn Đảo ngày nay đã mọc lên nhiều khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn sang trọng nằm san sát bờ biển, dọc các con đường Nguyễn Đức Thuận, Tôn Đức Thắng. Ông Hoàng Nghĩa Doãn, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, cho biết Côn Đảo bây giờ được nhiều người gọi là “đảo thiên đường”.
Trong hai ngày 24 và 25-4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng vui mừng nhận thấy sau 35 năm kể từ ngày được giải phóng (1-5-1975), huyện Côn Đảo đã không ngừng đổi mới cùng với sự đi lên của cả nước. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng lưu ý chính quyền và nhân dân huyện cần tiếp tục giữ gìn, phát triển Côn Đảo - báu vật vô giá - lưu giữ những giá trị cách mạng thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân rất hiền, rất siêng
Đường sá ở thị trấn Côn Đảo vừa xanh, sạch lại yên ả. Trước nhà hay trước hàng quán, xe dựng mà chìa khóa cứ vô tư để trong ổ khóa. Ông Nguyễn Anh Tài, Chủ tịch LĐLĐ huyện Côn Đảo, khẳng định: “Ở đây không có chuyện xe bị mất cắp. Lâu lâu cũng có người vội quá “mượn” xe không hỏi nhưng sẽ trả ngay thôi”.
Cũng theo ông Tài, Côn Đảo rộng 76,78 km2, có khoảng 6.000 dân với một cây xăng, một trường mẫu giáo, một trường THCS mang tên chị Võ Thị Sáu; một chợ Côn Đảo mà ở đó người buôn bán thích nói giá thật, ghét sự kỳ kèo bớt một thêm hai... Còn ông Bùi Lương Rân, Giám đốc Côn Đảo Resort, nhận định: “Người dân Côn Đảo rất hiền, rất siêng”.
Chúng tôi đến Côn Đảo hôm trước, sáng hôm sau ra cầu tàu du lịch trên đường Tôn Đức Thắng đã được người dân nơi đây “điểm mặt”. Ông Sáu Cá (76 tuổi, ngư dân Quảng
Khi tôi thắc mắc vì sao ông cứ đứng trên cầu tàu nhìn hoài cái bóng in mồn một dưới đáy cát trắng, ông nói: “Coi con nước để đi kiếm cá. Nước chảy mạnh quá, một hai ngày nữa mới đi được!”. Nhưng buổi chiều quay ra tôi đã thấy ông Sáu đang quỳ trên mũi một con tàu nhỏ, đốt nhang vái lạy. “Sao ông bảo một, hai ngày nữa mới đi kiếm cá được?”- tôi chụm tay làm loa, gào lên. “Nước bớt chảy rồi. Đi thôi, chớ ở không làm gì?”- ông Sáu vừa cho tàu lui xa cầu tàu vừa đáp vọng lại.
Khơi niềm yêu thương, tự hào
Chị hướng dẫn viên của Bảo tàng Lịch sử Côn Đảo cho chúng tôi biết trong 113 năm (1862-1975), hơn 20.000 người tù đã chết tại Côn Đảo, phần đông là những người yêu nước, những nhà cách mạng. Những ngày ở Côn Đảo, chúng tôi đi viếng rất nhiều di tích lịch sử cách mạng như trại tù Phú Tường, trại tù Phú Hải, chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ, cầu tàu 914, bãi Sọ Người...
Và cũng như bất kỳ ai đã từng đến Côn Đảo, chúng tôi mong chờ giây phút được đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương để thắp nén nhang trên mộ nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chị Võ Thị Sáu...
Bà Trương Minh Thủy, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cho biết: “Về thăm Côn Đảo những ngày giữa tháng 4 này, chúng tôi muốn khơi gợi lên niềm yêu thương, lòng tự hào về những hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ. Qua đó, để các đoàn viên ưu tú hiểu được giá trị của hòa bình, độc lập, tự do; thêm yêu quý Tổ quốc mình và sống xứng đáng hơn”.
Bình luận (0)