xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Con đường của ước mơ

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN

Rừng Sác, con đường được xây dựng trên đầm lầy nhưng lại mở ra sự phát triển bền vững cho Cần Giờ

Trong cơn mưa tầm tã sáng 28-4-1985, hàng trăm hộ dân địa phương lòng vui như mở hội, đón mừng một sự kiện quan trọng mà 10 năm sau ngày thống nhất đất nước mới trở thành hiện thực: Lễ thông xe kỹ thuật tuyến đường Nhà Bè-Duyên Hải (nay là đường Rừng Sác).

img
Đường Rừng Sác ngày nay (ảnh lớn) hình thành từ con đường đất được đắp vào năm 1983 (ảnh nhỏ)


Làm đường trên đầm lầy


Không có đường bộ nên quãng đường từ huyện Cần Giờ đến trung tâm TPHCM xa thăm thẳm dù chỉ cách 50 km.
 
Ông Đoàn Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ), vào những năm đầu giải phóng, mở đầu câu chuyện về thời kỳ đầy gian khó: “Giao thông cách trở, dân và cán bộ cùng khổ. Cán bộ xã muốn lên huyện họp phải đi ghe từ chiều hôm trước mới kịp họp vào sáng hôm sau. Cán bộ huyện lên trung tâm TP họp muốn đi nhanh, phải đón tàu thủy qua Vũng Tàu, sau đó đi xe khách ngược lên TPHCM”.

Người dân thì chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa và là địa phương kém phát triển nhất của TPHCM.


Không thể mãi “lụy đò”, năm 1983, Huyện ủy và UBND huyện Duyên Hải quyết định đắp một con đường từ bến đò Bình Khánh đến ấp An Nghĩa dài 11,5 km, rộng 4 m.

Đoạn đường ngắn, nhỏ này nhưng lại là công trình cực kỳ khó khăn vì nó được hình thành trên vùng đầm lầy. Song, ước mơ cháy bỏng được đi trên đường nhựa của người dân bao năm giữ đất, giữ rừng ở đây đã thôi thúc tất cả cùng ra công trường.

Ngày 15-3-1983, người dân Cần Giờ hồ hởi cầm cuốc, xẻng cùng nhau xới đất, đắp đường. Sau 4 tháng gian khổ, ngày 30-7, lễ “thông xe” đoạn đường dài 11,5 km theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng đến.

“Hàng ngàn ngày công đã góp vào đây. Mồ hôi của quân và dân cũng đổ xuống nhưng trên hết vẫn là sự quyết tâm xây dựng một con đường mà lâu nay ai cũng ước mơ”- ông Tuấn bồi hồi nhớ lại. 


Cắt rừng, mở tuyến


Không thể dừng lại ở con đường chỉ dài 11,5 km. Ngay sau đó, ý tưởng về một con đường mới nối Nhà Bè - Duyên Hải hình thành. Tháng 10-1983, những kỹ sư đầu tiên của Sở GTCC (nay là Sở GTVT) được điều xuống để khảo sát hiện trường.

Trước đó, hàng chục công nhân kỹ thuật cũng đã lặn lội trong rừng ngập mặn để cắt rừng, mở tuyến với mục tiêu hàng đầu là tìm hướng tối ưu cho con đường: Tiết kiệm kinh phí và nhân lực.

Nhớ lại thời kỳ khó khăn, những cán bộ của ngành giao thông hồi tưởng: Lúc đó, những người trực tiếp làm đường không chỉ ăn cơm với cá khô và muối. Anh em còn phải chống chọi với muỗi, rắn độc, có khi là cá sấu.
 
Nhưng bởi cái nghèo, cái khó của một huyện vùng ven nên tất cả phải dốc sức để giúp vùng đất này sớm phát triển. “Nhiều lúc, tưởng chừng công trình này phải dừng lại vì nhiều đoạn gặp phải vùng đất không có chân. Có nơi đổ xuống hàng chục mét khối  đất nhưng chìm mất tăm!” - ông Tuấn kể.


Lúc đó, thi công thủ công là chủ yếu, vật liệu thì quá thiếu thốn... Khó khăn chồng chất khó khăn, thế nhưng sau 16 tháng thi công, ngày 28-4-1985, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lễ thông xe kỹ thuật con đường độc đạo mang tên Rừng Sác đã diễn ra trong niềm hân hoan của cả một vùng đất. Sau đó, con đường không chỉ dừng lại ở ấp An Nghĩa mà kéo dài đến tận ngã ba Long Hòa với chiều dài 36 km.
 
Ông Ba Sang, nay đã gần 90 tuổi ở xã Bình Khánh, vẫn nhớ như in hình ảnh người dân kéo nhau ra đường khi đón đoàn đại biểu của TP về dự lễ khánh thành. Ông Ba Sang kể: “Hôm đó, người dân Cần Giờ chạy bộ trên đường, lạ lẫm khi sờ tay vào ô tô bởi đó là lần đầu tiên họ nhìn thấy ô tô, làm ai cũng xúc động”...


Thay da, đổi thịt


Vài năm sau, theo con đường này, lưới điện quốc gia đã về tận các ấp, xe khách lăn bánh nối TP với trung tâm huyện, trạm xá, trường học mọc lên, đẩy lùi dần nghèo, đói, lạc hậu đã đeo bám Cần Giờ suốt mấy chục năm qua. 


Ngày nay, hai bên đường Rừng Sác là những đìa tôm, ruộng muối, những căn nhà ngói mới cùng hàng loạt cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân mọc lên.


Để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển của Cần Giờ, năm 2002, TP quyết định đầu tư mở rộng đường Rừng Sác thành 6 làn xe, làm đường nhựa thay cho đường cấp phối. Theo đó, hàng trăm km đường giao thông nông thôn bằng bê tông được hình thành thay cho đường đất, sình lầy trước đây.

Dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ cũng đã được khởi công. Ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: Dù hạ tầng giao thông đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đủ. Mong muốn lớn nhất của địa phương là phà Bình Khánh sớm được nâng cấp thành cầu, khi đó, thông thương mới thật sự thông suốt.


Hiện nay, công trình đường Rừng Sác mới làm xong 3 làn xe, 3 làn xe còn lại đang thi công và sẽ hoàn thành toàn tuyến vào cuối năm 2010.


Nhìn lại chặng đường gian khó đã qua mới thấy rằng quyết định mở đường để người dân huyện vùng sâu, vùng xa như nCần Giờ đi lại không còn cách trở là việc làm hết sức ý nghĩa.

Tri ân người dân


Tại lễ thông xe giai đoạn 1 đường Rừng Sác vào tháng 1-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định việc xây dựng và đưa đường Rừng Sác vào sử dụng là sự tri ân đối với người dân Cần Giờ vì trong kháng chiến họ đã chịu nhiều gian khổ, hy sinh.

Không chỉ vậy, việc đưa đường Rừng Sác vào hoạt động còn tạo sự chuyển biến về kinh tế, đưa Cần Giờ hòa nhập với sự phát triển chung của TPHCM. Dịp này, Chủ tịch nước cũng chỉ đạo chính quyền TPHCM tạo điều kiện, đầu tư thêm nhiều công trình hạ tầng để giúp Cần Giờ phát triển; xem xét sớm xây dựng cầu Bình Khánh. 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo