Trước đó, Báo Người Lao Động đã liên tục phản ánh vụ việc này nhưng các cơ quan chức năng ở huyện Giá Rai cũng như tỉnh Bạc Liêu đều bình chân như vại. Mặc cho bị can hoành hành, mặc cho bị hại kêu cứu, các cơ quan liên quan dường như vô cảm với sự việc mà người này gây ra.
Sáng 15-4, bà Liên Mỹ Lén (ngụ ấp 1, xã Tân Phong, huyện Giá Rai) cho thợ sửa chữa lại căn nhà đã mua hợp pháp từ năm 2012 thì bà Châu Thị Ba (ngụ ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong) và bà Nguyễn Thị Liên (ngụ ấp 2, thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai) tiếp tục đến đập phá, ngăn cản, không cho làm. Điều đáng nói, đây đã là lần quấy rối thứ 37 và là lần thứ 8 kể từ sau khi có quyết định khởi tố bị can đối với bà Ba và bà Liên về hành vi hủy hoại tài sản.
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận cảnh bà Ba, bà Liên ngang nhiên xâm phạm tài sản người khác với thái độ đầy thách thức. Bà Liên còn có lời lẽ xúi giục bà Ba điện kêu “xã hội đen” và có hành vi hành hung thợ xây tên Mã Văn Được do bà Lén thuê sửa nhà. Vì sự việc diễn ra ngay trên Quốc lộ 1, ở khu vực đông dân cư nên có rất nhiều người dân xung quanh và người đi đường chứng kiến với tâm trạng vừa bức xúc, vừa khó hiểu.
Hai bị can ngang nhiên xâm phạm tài sản người khác như chốn không người
Trong khi đó, dù bà Trần Thị Sương (mẹ bà Lén) đã trình báo từ rất sớm nhưng phải đến hơn 3 giờ sau, chỉ có Công an xã Tân Phong đến lập biên bản sự việc.
Sáng 16-4, bà Lén tiếp tục cho thợ sửa nhà thì bà Liên và bà Ba lại xuất hiện, ngang nhiên ngăn cản, hủy hoại tài sản.
Bà Trần Thị Sương bức xúc: “Họ xâm phạm gia cư bất hợp pháp còn ngang nhiên hủy hoại tài sản của gia đình tôi nhưng không thấy lực lượng chức năng đến can thiệp mặc dù tôi đã điện báo và gửi đơn yêu cầu. Cứ mỗi lần bị đập phá, tôi đều báo với ông Nguyễn Văn Hận (Trưởng Công an huyện Giá Rai) và ông Đặng Thanh Truyền (Phó Trưởng Công an huyện Giá Rai) yêu cầu xử lý nhưng chỉ nhận được lời hứa mà không thấy hành động gì".
Bà Sương cho biết thêm: "Hôm qua, tôi điện cho ông Ngô Thành Thật (Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu) thì ông Thật nói đã chỉ đạo công an huyện bắt giam bà Liên, còn bà Ba vì lý do sức khỏe nên để xử lý sau. Thế nhưng đến sáng nay, bà Liên và bà Ba vẫn tiếp tục đập phá tài sản của tôi mà có thấy ai làm gì đâu? Tôi còn biết kêu ai và tin ai nữa?".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Thanh Truyền nói: “Chúng tôi đang trao đổi với VKSND cùng cấp để thay đổi áp dụng biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, do vụ việc xảy ra trong thời điểm đại hội nên chúng tôi phải chờ xong mới xử lý. Tôi cũng đang đi học ở TP HCM và đã báo cáo vụ việc cho anh em ở nhà. Có gì các anh đến công an huyện nắm thông tin”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn Hận thì ông này luôn nói đang bận họp.
Sáng nay, 16-4, ông Trần Minh Khôi, Phó Viện trưởng VKSND huyện Giá Rai, khẳng định đến thời điểm này chưa thấy Công an huyện có văn bản nào đề nghị VKS phê chuẩn thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Ba và bà Liên.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại tá Ngô Thành Thật cho biết: “Tôi đã chỉ đạo rất rõ ràng, bằng văn bản, đề nghị Công an huyện Giá Rai xử lý theo hướng bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Liên. Còn bà Châu Thị Ba thì có thể cân nhắc, xử lý sau do có tiền sử bệnh huyết áp và lường trước khả năng bà này sẽ phản ứng tiêu cực nếu bị bắt giam. Tuy nhiên, anh em báo cáo do mấy ngày qua bận nhiều việc nên chưa kịp xử lý”!
Bình luận (0)