Tại hội thảo về dự án “Trường THPT Châu Văn Liêm” do UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 16-3, lãnh đạo TP mong muốn nhận được ý kiến nhiều chiều của người dân về việc cải tạo, xây dựng lại ngôi trường này.
Loay hoay tìm phương án thích hợp
Tại hội thảo, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, thông tin: Trường THPT Châu Văn Liêm do Pháp xây dựng vào năm 1917, ban đầu mang tên là Collège de Can Tho. Đây là 1 trong 2 ngôi trường xưa nhất đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 1924, tiếp tục xây thêm nhiều hạng mục, tổng cộng có 5 khối nhà với diện tích 17.000 m2. Các khối nhà được xây theo kiến trúc cổ, mái ngói vảy cá, sàn bằng gạch đất nung...
Từ năm 1945, trường đổi tên thành Trường THPT Phan Thanh Giản, sau đó là Trường An Cư I, Trường cấp 3 Cần Thơ và từ năm 1985 đến nay là Trường THPT Châu Văn Liêm. Vào năm 1987, Pháp đã gửi thông báo trường đã hết niên hạn sử dụng. Năm 2014, UBND TP Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng mới kết hợp cải tạo, sửa chữa theo kiến trúc cũ nhưng bị dư luận phản ứng gay gắt.
Trước tình hình trên, UBND TP Cần Thơ đã ủy thác cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2 (QLDA ĐTXD 2) thiết lập các phương án xây dựng, cải tạo ngôi trường. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD 2, nói: “Có 3 phương án được đưa ra là cải tạo cơ bản có kinh phí gần 111 tỉ đồng; cải tạo toàn diện, chất lượng cao có kinh phí hơn 133,2 tỉ đồng và phương án 3 là cải tạo/xây dựng mới gồm: trùng tu dãy nhà 5F thời Pháp, các dãy nhà còn lại đều phá dỡ và xây dựng lại theo kiến trúc Pháp đồng bộ với dãy nhà 5F. Kinh phí cho phương án này khoảng 117,4 tỉ đồng”. Ngoài ra, một đơn vị tư vấn khác cũng đề xuất phương án thứ 4 là xây dựng mới theo kiến trúc cũ với kinh phí 94,5 tỉ đồng.
Nhiều đại biểu tại hội thảo đều nghiêng về phương án 3 và 4.
Đề cao yếu tố an toàn
Theo bà Trần Thị Lụa, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, trường đang xuống cấp nghiêm trọng. Khoảng 10 năm qua, vào mùa mưa, sân trường luôn bị ngập úng. Công tác tuyển sinh của trường rất khó do phụ huynh và học sinh không biết khi nào trường bị sập hoặc xây mới. “Đến cả hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng đã hết hạn sử dụng nhưng ngành chức năng nói chỉ lắp đặt cho trường mới. Dù chọn phương án nào thì cũng phải bảo đảm an toàn của học sinh” - bà Lụa nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, ông Trần Phước Thuấn, một phụ huynh học sinh, cho rằng các con của ông đều học ở trường này. Ông rất lo lắng bởi các cháu rất hiếu động trong khi trường không còn an toàn. Sơ sẩy một chút là tai nạn có thể xảy ra. Nếu lưu luyến kiến trúc cũ thì nên giữ lại nhưng không nên xây dựng quá cao tầng, phải an toàn cho học sinh.
Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, bày tỏ: “Nhà tôi có 4 thế hệ đều học tại ngôi trường này nên tôi cũng muốn ngôi trường được giữ lại. Nhưng nếu lựa chọn giữa sự an toàn và giữ lại nét xưa thì tôi chọn sự an toàn. Dù vậy, cần cân nhắc việc xây mới theo kiến trúc cũ”.
Dưới góc độ chuyên môn, ông Trương Công Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư TP Cần Thơ, nhận định: Công trình nào càng lâu thì càng có giá trị lịch sử. Trường Châu Văn Liêm đã ghi dấu ấn, là niềm tự hào của người dân địa phương thì nên ứng xử như thế nào cho hài hòa nhất. TP Cần Thơ ngày càng phát triển, nếu còn Trường THPT Châu Văn Liêm như hiện nay thì nó là hạt ngọc quý trong di sản của đô thị.
Có thể theo phương án 3 hoặc 4
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Sẽ tổng hợp các ý kiến tại hội thảo trình Ban Thường vụ Thành ủy để triển khai thực hiện theo phương án 3 hoặc phương án 4”. Còn bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng nếu lựa chọn phương án 4 thì đã có sẵn 54,7 tỉ đồng. Nếu xây dựng ngay thì trường sẽ hoàn thành vào mùa tựu trường năm 2017, đúng dịp kỷ niệm Trường THPT Châu Văn Liêm tròn 100 tuổi.
Bình luận (0)