Võ Trung, học sinh Trường THPT Vinh Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), là một trong những thí sinh có số điểm cao nhất khối A, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 của tỉnh Thừa Thiên - Huế với 29,05 điểm, kém thí sinh đạt điểm cao nhất của khối thi này là 0,05 điểm.
Vươn lên từ gánh hàng rau của mẹ
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ cấp 4 nằm ven phá Tam Giang - Cầu Hai vào buổi chiều muộn, cha mẹ của Trung là ông Võ Cường và bà Đặng Thị Hòa không giấu được niềm hạnh phúc. Giọng xứ Quảng pha chút "chất" Huế, bà Hòa nói rằng khi đi thi chỉ mong con đủ điểm đỗ vào trường ĐH có chất lượng để mai sau dễ kiếm việc làm nhưng không ngờ Trung lại xuất sắc đến vậy.
Ngồi cạnh cha mẹ, cậu học trò dáng nhỏ con tỏ ra khá kiệm lời. Em cho biết tại kỳ thi này, tổng điểm 3 môn khối A đạt 29,05 (làm tròn 29,1 điểm); trong đó môn toán đạt 9,8 điểm, vật lý 9,5 và hóa học 9,75 điểm. "Đến giờ em vẫn tiếc vì môn hóa học mình làm sai một câu nên không được điểm tuyệt đối" - Trung nói.
Trung là con đầu trong gia đình có 3 anh chị em. Ông Võ Cường trước kia sinh sống bằng nghề chài lưới trên phá Tam Giang nhưng rồi cuộc sống bấp bênh, gần 20 năm trở lại đây, vợ chồng ông chuyển qua buôn bán hàng rau, củ quả... tại chợ xã Vinh Mỹ ở kế bên.
Võ Trung cùng cha mẹ hạnh phúc khi xem kết quả điểm thi
Ngày nào ông cũng một mình chạy xe máy vượt hơn 40 km từ Vinh Hưng lên chợ đầu mối TP Huế giữa đêm khuya lấy hàng về để vợ con mang ra chợ bán. "Cứ 12 giờ, tôi lại chạy xe lên thành phố lấy hàng, 3 giờ lại về để kịp cho vợ ra chợ. Giờ đường sá đã được đầu tư, chứ lúc trước phải đi qua một lần đò vượt phá Tam Giang mới lên được Huế, vất vả lắm!" - ông Cường kể.
Do con cái đông, thu nhập từ sự chênh lệch buôn bán không đáng là bao nên sau khi đi chở hàng về, ông Cường còn nuôi tôm, cá ven đầm, làm thêm nghề thợ mộc. Còn bà Hòa cũng không kém phần vất vả cốt chỉ cho các con ăn học nên người.
Là con trưởng trong gia đình, từ lúc học lớp 7, cứ 3 giờ mỗi ngày, khi chuyến hàng của cha về tới quê, Trung lại đạp xe ra chợ Vinh Mỹ cách nhà hơn 5 km để giúp mẹ dọn hàng ra bán. Xong việc, Trung trở về nhà chuẩn bị cho 2 đứa em bữa sáng rồi mới tới trường. Tan trường, cậu học trò quê lại đạp xe ra chợ, vừa giúp cha mẹ dọn hàng vừa mang đồ ăn về nấu cho cả nhà bữa trưa. "Lúc đầu chưa quen giờ giấc thì lên trường ngồi học cứ hay ngủ gật, làm miết rồi quen nên em cảm thấy rất thoải mái và rất khỏe bởi san sẻ công việc với cha mẹ" - Trung tâm sự.
Tự học là chính
Dù vất vả với việc nhà nhưng chưa bao giờ Trung phụ lòng mẹ cha trong việc học hành. 12 năm đèn sách, ngoại trừ năm học lớp 8 chỉ đạt học sinh khá, còn lại Trung đều đạt học sinh giỏi, nhiều lần được UBND huyện Phú Lộc và chính quyền xã Vinh Hưng tặng bằng khen. "Năm cháu học lớp 8, tôi bị bệnh nặng kéo dài, 2 vợ chồng thường ở bệnh viện điều trị. Trung phải ở nhà vừa chăm lo cho các em vừa đi học nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả học tập" - bà Hòa kể lại.
Tốt nghiệp THCS với loại xuất sắc, nhiều bạn bè dự tuyển vào Trường THPT chuyên Quốc Học Huế ở TP Huế để có điều kiện học tốt hơn. Dù có đủ khả năng nhưng Trung quyết định học tại Trường THPT Vinh Lộc ở gần nhà. Lý do đơn giản chỉ là để được ở gần nhà, đỡ tốn kém và có thời gian giúp cha mẹ và chăm sóc 2 em.
Vào học ở Trường THPT Vinh Lộc - một ngôi trường dành cho học sinh các xã khu 3 của huyện Phú Lộc mà kinh tế người dân còn nhiều khó khăn - Trung được nhà trường đưa vào học lớp chọn 12A1. Do học ở vùng nông thôn, điều kiện khó khăn nên Trung ít khi được đi học thêm mà chủ yếu tự học, ngay cả sách vở cũng dùng lại của những anh chị khóa trước.
Thầy Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Vinh Lộc, cho hay ở khu vực này, học sinh không có điều kiện nên chỉ đến học bồi dưỡng do nhà trường tổ chức chứ không đi học thêm như ở thành phố. Thầy cũng không giấu nổi niềm tự hào về một trong những cậu học trò xuất sắc nhất trường. Điều này được minh chứng bằng kết quả học tập 3 năm cũng như nhiều huy chương, bằng khen của những kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đó là 2 giải nhì cấp tỉnh cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay lớp 11; giải 3 môn vật lý và môn toán kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức vào năm học lớp 12... "Học giỏi nhưng Trung không bao giờ kiêu ngạo với bạn bè, em rất điềm đạm, kiệm lời và hòa đồng trong công tác xã hội" - thầy Tuấn nhận xét.
Trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia diễn ra, ngoài thời gian đến trường ôn thi, Trung vẫn đều đặn ra chợ giúp cha mẹ như thường ngày. "Dù bị áp lực trước sự mong đợi của thầy cô, bạn bè và gia đình nhưng em đã có kết quả thi rất tốt. Cách ngày thi một tuần, em nghỉ ngơi thư giãn để có tâm lý thoải mái cho kỳ thi" - Trung chia sẻ.
Rồi cách đây vài ngày, khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố điểm thi, cả gia đình, thầy cô và xóm làng đều vỡ òa trước điểm thi của Trung. Thầy Nguyễn Văn Tuấn xúc động cho biết Trung là học sinh có số điểm của khối thi cao nhất từ trước đến nay của nhà trường.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-7
Kỳ tới: Hai nữ sinh nghèo ước mơ làm bác sĩ
Ước mơ kỹ sư công nghệ thông tin
Nói về tương lai, Trung tâm sự rằng mình sẽ nộp hồ sơ vào ngành tự động hóa của Trường ĐH Bách khoa TP HCM để thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư về công nghệ thông tin. Đó là ước mơ kể từ khi bước vào giảng đường cấp 3, lần đầu tiên em được làm quen với chiếc máy tính, biết được sự diệu kỳ mà thế giới công nghệ mang lại.
"Vợ chồng tôi cũng muốn cháu học ở Đà Nẵng cho gần nhà, tiện vào ra lại đỡ kinh phí. Nhưng con muốn vào TP HCM để có môi trường học tốt hơn, ra trường có cơ hội việc làm nhiều hơn nên chúng tôi cũng đồng ý bởi đây là sự lựa chọn của con" - ông Cường tâm sự.
Bình luận (0)