Tại buổi họp báo về "Kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017" ở TP HCM vào ngày 13-7, Bộ Quốc phòng đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan tình hình sử dụng đất quốc phòng trên địa bàn TP từ báo giới. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chủ trì buổi họp báo.
Giao đất cho doanh nghiệp theo yêu cầu của TP HCM
Trước câu hỏi của báo chí về việc chuyển đổi đất quốc phòng sang dân sự tại Tổng kho Xăng dầu 168 Phan Văn Trị, các nhà máy thuộc Z751 ở quận Gò Vấp hay khu đất cảng Ba Son, khu đất Tân Cảng được thực hiện như thế nào, có đấu thầu công khai hay không, đại diện Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế - cho biết Bộ Quốc phòng thực hiện chuyển giao đất cho nhà đầu tư theo yêu cầu của TP HCM.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phát biểu tại buổi họp báo Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế, đất quốc phòng ở những địa điểm trên nằm trong nội đô, không bảo đảm được môi trường và chưa phù hợp với quy hoạch nên TP yêu cầu Bộ Quốc phòng di chuyển các nhà máy này. "Khi di chuyển các nhà máy thì Bộ Quốc phòng không có tiền, Chính phủ cũng không có tiền nên Chính phủ cho phép được chuyển mục đích sử dụng các khu đất trên để lấy tiền đầu tư xây dựng nhà máy theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao)" - ông Thắng giải thích.
Nói rõ hơn, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho biết các chủ đầu tư có nguồn vốn, năng lực qua xem xét của TP và thống nhất của Bộ Quốc phòng sẽ được lựa chọn. Họ bỏ tiền ra xây dựng các nhà máy, kho xăng, đổi lại, quân đội giao đất để nhà đầu tư thu hồi vốn. "Những dự án chuyển đổi đất quốc phòng cho các nhà đầu tư phải được Thủ tướng đồng ý trên cơ sở ý kiến của các địa phương, bộ, ngành. Việc này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chứ Bộ Quốc phòng không tự tiện làm được. Quyết định là của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng chỉ làm đúng theo quy trình" - ông Thắng nhấn mạnh.
Không ưu ái doanh nghiệp quân đội
Trả lời câu hỏi liệu các doanh nghiệp quân đội có được ưu ái hơn, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng khẳng định không có bất cứ ưu tiên nào. Cụ thể, trước đây một số doanh nghiệp quân đội được cấp biển số đỏ nhưng hiện không còn. "Vừa rồi, Bộ Quốc phòng thu hồi 1.000 biển số đỏ xe quân đội. Hiện doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước chỉ có 2 xe dành cho lãnh đạo, các xe còn lại chuyển sang biển trắng. Các doanh nghiệp quân đội đều tính đủ chi phí, hạch toán, cạnh tranh như doanh nghiệp khác" - ông Thắng nói. Theo ông, hằng năm, các doanh nghiệp quân đội đều được thanh tra, kiểm toán về tình hình sản xuất, tài chính, không hề có vùng cấm nào.
Liên quan việc tạm dừng chuyển đổi đất quốc phòng để làm kinh tế, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng nói việc sử dụng đất ở các địa phương, quốc phòng cũng có những chỗ sai. Do đó, bây giờ phải kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh. "Những liên kết, liên doanh, cho thuê, cho mướn đất quốc phòng dứt khoát không làm nữa chứ không phải dừng" - ông Thắng chia sẻ và thông tin nguồn đất của quốc phòng mà quân đội chưa cần dùng đến trong khi địa phương cần thì có thể chuyển giao cho địa phương.
Theo Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, tất cả việc sử dụng đất quốc phòng sai mục đích đều bị kiểm tra, xử lý và thu hồi. Vừa qua, một số nơi đã làm không đúng, Quân ủy trung ương đã có kết luận. Bộ Quốc phòng cũng có kế hoạch xử lý, tất cả đất sử dụng không đúng quy định sẽ thu hồi, cán bộ làm sai bị xử lý trách nhiệm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý hình sự. "Các bạn hỏi quân đội làm kinh tế có lợi ích nhóm không, tôi xin trả lời ngay là không. Quân đội làm kinh tế là thực hiện nhiệm vụ được giao chứ không phải muốn làm gì thì làm. Nhiều nhiệm vụ kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì chỉ có quân đội mới làm được" - ông Thắng khẳng định.
Kết hợp quốc phòng và kinh tế
Đối với vấn đề quân đội làm kinh tế, báo chí đặt vấn đề quân đội nhiều nước không làm kinh tế. Đơn cử như Trung Quốc, trước đây quân đội họ làm kinh tế nhưng sau đó đã dừng. Thiếu tướng Võ Hồng Thắng nói rằng quân đội Việt Nam có nhiệm vụ sản xuất kinh tế, xuất phát từ bản chất truyền thống của quân đội, xuất phát từ lịch sử. "Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời khi chưa có chính quyền, phải tự lực tự cường, sản xuất hết. Đến khi có chính quyền rồi, kể cả trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì nước ta còn nghèo, lực lượng quân đội đông nên tiếp tục phải phát huy truyền thống tự lực tự cường, phát triển lực lượng, tăng gia sản xuất để đóng góp cho dân, cho đất nước" - ông Thắng phân tích. Theo ông, ngày nay, để xây dựng đất nước, quân đội phải song hành 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện 2 nhiệm vụ này, việc kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng, quốc phòng và kinh tế là đương nhiên. Điều này đã được ghi trong Hiến pháp 2013. "Quân đội các nước cũng làm kinh tế nhưng dạng khác như đầu tư các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, trung tâm nghiên cứu. NASA của Mỹ chẳng hạn, họ đầu tư nghiên cứu công nghệ rất tiên tiến, sau khi đã hoàn chỉnh sản phẩm cho quốc phòng rồi thì đưa công nghệ ấy ra dân sự, tăng nguồn thu, lấy tiền đầu tư việc khác" - ông Thắng dẫn chứng.
Bình luận (0)