Lần tìm những tấm hình được triển lãm tại hội nghị công bố Củ Chi là huyện đầu tiên của TP HCM đạt chuẩn nông thôn mới, mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông (ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng) chỉ vào một tấm hình, phấn khởi nói: “Thằng Dũng con tui nè. Nó đang nhận giấy khen vì thành tích hiến đất làm đường đấy!”.
Con còn hiến dâng cho Tổ quốc…
Hỏi mẹ Nông đã “nhín” tổng cộng bao nhiêu đất làm đường, mẹ nói: “Mẹ già rồi, đâu có nhớ hết. Mẹ chỉ nhớ là từ ngày giải phóng tới giờ, cứ lần nào xã mở đường, mở hẻm là bấy nhiêu lần mình nhích vô cái cổng, lúc thì dời cái hàng rào”.
Theo thống kê của chính quyền, mẹ Nông đã tình nguyện hiến 800 m2 đất nhà làm đường giao thông và hơn 1.700 m2 đất ruộng làm kênh mương kết hợp giao thông nội đồng. Ngay đến cái nhà bây giờ, mẹ Nông cũng kêu con cháu dời hàng rào tuốt vô trong dù đất mé ngoài vẫn còn rộng chỉ vì “để dành sau này nhà nước còn mở lộ rộng hơn”. Không chỉ hiến đất, mẹ Nông còn rủ rê người thân, họ hàng và bà con làm cái việc nghĩa tình này. Mới đây nhất, gia đình 2 người con của mẹ Nông đã hiến 800 m2 đất.
Nói về lý do tự nguyện hiến rất nhiều đất, mẹ Nông tâm sự: “Thời chiến, con mình còn dâng hiến cho Tổ quốc, chẳng lẽ thời bình mình lại tiếc mấy trăm mét vuông đất”. Mẹ kể nhà chỉ có hai chị em nhưng người em trai của mẹ đã hy sinh. Mẹ vẫn theo cha tiếp tục hoạt động cách mạng. Rồi đến người con gái duy nhất của mẹ là Nguyễn Thị Nắng cũng theo chân mẹ tham gia cách mạng lúc 11 tuổi, đến năm 16 tuổi thì hy sinh.
Nhìn con đường Trung Lập liên tỉnh, nối liền xã Trung Lập Thượng với tỉnh Bình Dương và Tây Ninh rộng rãi trước nhà được trải đá xanh và chuẩn bị tráng thêm lớp nhựa, mẹ Nông mãn nguyện vô cùng. “Hiến đất làm đường để con cháu đời đời có đường to đẹp, an toàn đi lại, người dân trong vùng làm ăn thuận tiện, khấm khá hơn, quê hương phát triển thì bớt chút đất có đáng gì đâu. Con Nắng mà còn sống chắc nó cũng ủng hộ tui làm việc này” - mẹ Nông cười hiền hòa.
Vợ chồng ông Lại Văn Đế (ấp Gò Nổi A, xã An Nhơn Tây) 2 lần “nhín” khoảng 500 m2 đất cho chính quyền làm đường. Hỏi hiến đất như vậy không tiếc sao, ông Đế cười xòa: “Vợ chồng tui đều thống nhất chỗ nào làm đường qua đất mình thì sẵn sàng hiến chứ không tiếc chi”. Vợ ông Đế tiếp lời: “Mình có hiến đất thì mới có đường. Ở đây, khi đường mở tới đâu là người dân hưởng ứng tới đó, không phiền hà gì cả!”.
Hiến đất cũng như làm cách mạng
Không còn quan niệm “tấc đất tấc vàng”, nhiều người dân ở Củ Chi, kẻ ít người nhiều đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, “nhín” đất mặt tiền, sau nhà để làm đường giao thông, trường học...
Cũng như mẹ Nông, ông Đế, ông Nguyễn Văn Xẩu (72 tuổi; ngụ ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng) đã hiến 800 m2 đất để làm đường giao thông. Không chỉ vậy, ông Xẩu còn vận động 5 hộ dân xung quanh cùng hiến đất để mở tuyến đường dài 800 m. Số đất mà ông Xẩu cùng 5 người hàng xóm hiến lên đến hàng ngàn m2. Ấy vậy mà bà con chẳng phàn nàn gì.
“Hiến đất bây giờ cũng giống như ngày xưa đi làm cách mạng. Hồi ấy, nhà nhà làm cách mạng, nhà nhà nuôi bộ đội, tải thương, tải đạn, tải gạo... Còn giờ nhà ai có đường đi qua thì góp thước đất” - ông Xẩu bộc bạch.
Ông Võ Văn Hẩn, Bí thư Chi bộ ấp Lào Táo Thượng, cho rằng điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương chính là huy động được sức dân. Theo ông Hẩn, “đường đến làng, vàng phang vào ngõ”. Hiểu được điều này nên khi ông đi vận động hiến đất làm đường thì ai cũng ủng hộ.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết từ khi phát động xây dựng nông thôn mới ở huyện, hầu như 100% hộ dân có đường đi qua nhà đều hiến đất. Tính đến nay, có khoảng 6.300 hộ hiến gần 750.000 m2 đất và công trình vật kiến trúc với tổng trị giá trên 355 tỉ đồng. Điều đọng lại lớn nhất trong ông Phú từ cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở Củ Chi chính là cái tình, cái nghĩa của người dân nơi này.
“Người dân là chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Những thành quả của hôm nay đều do người dân chung tay làm nên. Cái nghĩa, cái tình, lòng kiên định đã thấm nhuần trong mỗi con người Củ Chi nên những thứ đã đạt được sẽ không mất đi mà lan tỏa, bền chặt” - ông Phú đúc kết.
Sức mạnh trong dân là sức mạnh lớn nhất
Tại lễ công bố Củ Chi là huyện đầu tiên của TP HCM đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015, đánh giá về nghĩa cử hiến đất làm đường, trường học của người dân Củ Chi, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng từng nói: “Có nhìn thấy giá trị của từng mét đất ở Củ Chi trong giai đoạn đang đô thị hóa mới thấu được tấm lòng của bà con. Điều đó càng khẳng định vai trò chủ thể, đặc biệt quan trọng của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới”. Theo ông Thưởng, đô thị hóa càng cao thì tình làng nghĩa xóm phải càng sâu nặng. Nhất là phải nhận thức rõ mục tiêu chính của xây dựng nông thôn mới nhằm chăm lo cho dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Phải xác định chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới là người dân bởi sức mạnh trong dân là sức mạnh lớn nhất.
Bình luận (0)