Chúng tôi ghé khu trọ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM, thấy bà chủ nhà Lê Thị Thanh Hoa đang đứng cạnh đống cát, đá trộn hồ. Bà khoe: “Tôi đang sửa tất cả các phòng trọ, dán hết gạch men nền và tường cho công nhân (CN) ở sạch sẽ, thoáng mát”. Nụ cười hồn hậu, chất phác nở trên gương mặt người chủ nhà mà CN thường trìu mến gọi là “cô Hoa”.
Bà chủ nhà tốt bụng
Thấy phòng trọ đã xuống cấp, bà Hoa họp toàn thể CN lại tham khảo ý kiến. “Cô sẽ dán hết gạch men nhưng chỉ tăng tiền phòng 100.000 đồng/phòng/tháng, mấy đứa thấy sao?” - bà hỏi. Toàn bộ CN vỗ tay đồng ý. Chị Vũ Thị Hiền, Công ty Sungshin (KCX Linh Trung 1), cho biết: “Từ hôm sửa chữa phòng đến nay, CN thích lắm. Phòng thế này chỗ khác người ta phải lấy hơn 1 triệu đồng/phòng/tháng, vậy mà cô Hoa chỉ lấy 650.000 đồng/phòng nhỏ và 750.000 đồng/phòng lớn nên ai cũng đồng ý”.
Bà Lê Thị Thanh Hoa (đứng) tặng quà Tết cho công nhân ở trọ
Thấy CN khó khăn, bà Hoa tạo việc làm thêm cho họ bằng cách để cho những CN làm ở các công ty xây dựng sửa phòng trọ và trả công cho họ 250.000 đồng/buổi. Không chỉ vậy, bà còn đi lấy hoa vải về cho CN nữ làm vào buổi tối để họ có thêm thu nhập. “Kết hoa vải được 7.000 đồng/kg. Ai làm giỏi, buổi tối có thể làm được 2-3 kg, có thêm tiền chợ. Hết hoa, tôi nhận len về cho mấy em móc nón nên có việc làm thêm quanh năm” - bà kể.
Khi nhắc đến “cô Hoa”, CN luôn dành cho bà những tình cảm đặc biệt bởi đối với những CN khó khăn không có điều kiện tổ chức đám cưới, bà đứng ra làm “chủ xị” từ việc nấu nướng đến tặng quà cho cô dâu, chú rể. Hơn 10 năm nay, có 5 cặp CN đã nên duyên vợ chồng nhờ sự vun đắp của bà chủ nhà tốt bụng.
Tết đến, thấy một đôi vợ chồng CN trong nhà trọ có đứa con bị khiếm thị bẩm sinh muốn về quê thăm gia đình mà không có tiền, bà đích thân liên hệ với các đoàn thể để lo cho gia đình họ 3 chiếc vé xe về quê. Không chỉ vậy, bà còn lập một sổ tiết kiệm chung cho CN ở ngân hàng. Ai có 500.000 đồng, 1 triệu đồng có thể gửi bà gom bỏ vào sổ. Ai gửi, gửi ngày nào, bao nhiêu… đều được bà ghi chép cẩn thận. Bà khoe: “Đến nay, có 21 CN gửi được hơn 50 triệu đồng. Số tiền tuy nhỏ nhưng có cái để cho “tụi nó” làm vốn sau này”.
“Ở nhà trọ cô Hoa rất thích, năm nào cũng được cô mời ăn tiệc tất niên” - CN Văn Thị Thuyết, Công ty Danu Vina (KCX Linh Trung 1), khoe. Gần Tết, bà Hoa dành khoản tiền cho thuê nhà tháng cuối, khoảng 15 triệu đồng, để tổ chức tất niên cho CN. Tết Ất Mùi vừa rồi, bà làm 8 bàn tiệc. Không khí vui vẻ, đầm ấm như một gia đình. Bà còn mua đường, bột ngọt, dầu ăn để gói thành 32 suất quà tặng cho các phòng.
Những CN không về quê, ngày Tết còn được bà mời sang ăn cơm và lì xì con cái của họ. Tình cảm, yêu thương, gắn bó nên có người ở nhà trọ của bà 15 năm nay. Năm ngoái, bà Lê Thị Thanh Hoa vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng ở địa phương. “Tôi nghĩ làm được gì cho các em, các cháu thì làm chứ không dám nghĩ để được tuyên dương” - bà Hoa bộc bạch.
Như người một nhà
Một chủ nhà trọ điển hình khác ở quận Thủ Đức là ông Đỗ Xuân Tài ở phường Tam Bình. Ông được CN và con CN xem như người thân thích. Mỗi chiều, tụi nhỏ ùa ra ôm chân, đòi ông ẵm, rồi ríu rít: “Ông ngoại ăn cơm chưa? Hôm nay, con được cô giáo khen...”. Ông cười: “Mười đứa trẻ ở đây gọi vợ chồng tôi là ông bà ngoại. Có được đám cháu thế này cũng vui”.
Ông Tài nguyên là bộ đội ở Quân đoàn 4; năm 1990, về hưu và tận dụng mảnh đất trống của gia đình để xây nhà trọ cho CN thuê. Dãy nhà trọ của ông có 14 phòng và trong 5 năm nay vẫn giữ giá ổn định từ 600.000-650.000 đồng/phòng; tiền điện, nước lấy đúng giá nhà nước quy định.
“Với CN ở tỉnh, lo lắng thường trực là chủ nhà tăng tiền trọ, lấy tiền điện - nước cao so với quy định. Nhưng tôi may mắn khi được ở nhà trọ của bác Tài. Không chỉ không tăng giá tiền phòng mà bác còn luôn quan tâm, giúp đỡ khi CN cần. Điều này giúp tôi an tâm nơi đất khách quê người” - anh Nguyễn Văn Minh, Công ty Trường Lợi (KCN Bình Chiểu), thổ lộ.
Nhà trọ của ông Tài luôn giữ nếp văn minh, sạch đẹp và có nội quy, giờ giấc đóng cổng hẳn hoi. Toàn khu trọ có 10 cháu bé đang ở tuổi mẫu giáo đều được đi học. Ông chăm lo cho các cháu bằng cách kết hợp với trạm y tế phường tổ chức khám sức khỏe, tiêm ngừa, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh... Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, ông còn lên UBND phường nhận quà, bánh về phát cho các cháu. “Thấy các cháu xa quê, xa nhà, rất thiếu thốn tình cảm gia đình nên tôi yêu thương, lo lắng cho các cháu như người trong nhà” - ông tâm sự.
Ngày Tết, ông mua tặng mỗi phòng CN một phần quà gồm đường, bột nêm, dầu ăn, nước mắm. Những CN không có điều kiện về quê ăn Tết được ông tổ chức tất niên, lì xì. Chính vì tấm lòng của ông bà mà có nhiều CN đến ở từ thời còn độc thân tới nay họ đã có gia đình, sinh con và vẫn ở trọ tại đây.
Chị Trương Thị Sơn - quê Hà Tĩnh, làm việc tại Công ty Freetrend A (KCX Linh Trung 2) - kể: “Vợ chồng bác Tài sống rất tình nghĩa, thương CN ở trọ như con cháu của bác. Có gì ngon bác đều chia cho các phòng cùng ăn. Tôi ở đây đã 15 năm rồi và không muốn chuyển đi nơi nào khác”. Ngay cả những CN đã mua được nhà riêng, ổn định chỗ ở vẫn thỉnh thoảng về thăm ông chủ khu trọ khả kính.
Kỳ tới: Luôn biết yêu thương, san sẻ
Bình luận (0)