Ở TP HCM và các tỉnh lân cận hiện đã có 40 trạm thu phí. Riêng tại TP HCM, trong tương lai sẽ có trên 10 trạm thu phí. Điều quan trọng là tất cả cửa ngõ ra vào TP và các tuyến đường lớn với lượng phương tiện tham gia giao thông đông đều đã có trạm thu phí “án ngự”.
Khó lẩn tránh
Trong thời gian qua, mặc dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có quy định siết chặt tải trọng phương tiện nhưng các phương tiện này vẫn còn nhiều, khiến các tuyến đường lớn, nhất là khu vực có cảng tập trung đông như xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1... xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia giao thông, nếu đặt các trạm cân lưu động sẽ dẫn đến việc tốn kém lực lượng, dễ sinh tiêu cực; còn đặt trạm cân tại trạm thu phí sẽ rất tiện lợi. Cụ thể, nếu tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội (quận 9 và quận Thủ Đức) có trạm cân thì các phương tiện khi lưu thông hướng từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương về TP HCM và ngược lại sẽ bị kiểm soát tải trọng. Còn phương tiện chở hàng hóa hướng Tây Bắc từ tỉnh Tây Ninh; các huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP HCM) thì phải qua các trạm cân được đặt tại trạm thu phí trên Quốc lộ 22, An Sương - An Lạc. Hướng Tây TP sẽ có các trạm thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương, Quốc lộ 1; các trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... Đó là chưa nói đến việc trong năm 2016, TP sẽ xây dựng thêm 4 trạm thu phí thì hàng hóa từ các cảng Phú Hữu, Cát Lái, Phước Long... cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, hàng hóa từ các cụm cảng Tân Thuận, Nhà Bè, Bến Nghé... sẽ được kiểm soát bằng trạm cân đặt tại trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Cộng thêm các tuyến đường trục cửa ngõ ra vào TP đang có 9 trạm thu phí nằm rải rác trên các Quốc lộ 1K, 13, 51; các đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Như vậy, mật độ trạm thu phí dày đặc, bảo đảm các phương tiện sẽ được kiểm soát trọng tải một cách dễ dàng hơn.
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải TP HCM, việc đặt trạm cân tại các trạm thu phí là phương án tối ưu vì nó kiểm soát được các phương tiện ở tất cả mọi tuyến đường. Do đó, hiệp hội hoàn toàn ủng hộ và cho rằng nên sớm thực hiện.
Phạt nguội hay hạ tải tại chỗ?
Đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) - Công an TP HCM, cho biết để hạn chế xe quá tải, thời gian qua, Bộ GTVT đã làm việc và giao cho các cảng có trách nhiệm chính trong vấn đề này. Ngoài ra, PC67 cũng thường xuyên tăng cường lực lượng, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng để hạn chế xe quá tải. Tuy nhiên, phương tiện trang bị cho CSGT, Thanh tra Giao thông chưa đầy đủ nên hiệu quả chưa cao, đó là chưa nói đến việc nhiều cân lưu động vừa đưa ra đã hư. “Để hạn chế các phương tiện chở quá tải, PC67 đã tổ chức chuyên đề về xe quá tải, đặt các trạm cân lưu động trên những tuyến đường chính nhằm phát hiện, xử lý nghiêm. Thế nhưng, việc này thực hiện không thường xuyên. Vì vậy, nếu đặt trạm cân tại các trạm thu phí thì sẽ hạn chế được phương tiện vượt trọng tải, tiết kiệm thời gian, lực lượng” - ông Trà nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, đây là một việc làm đòi hỏi Bộ GTVT phải nghiên cứu kỹ và có kế hoạch cũng như ngồi lại bàn bạc với các chủ đầu tư trạm thu phí. Vì nếu không đồng bộ sẽ dẫn đến việc các phương tiện tìm cách né tránh trạm cân này để đi các trạm cân khác, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. “Tôi nghĩ rằng Bộ GTVT cũng đã tính đến phương án này nhưng điều quan trọng là bao giờ thực hiện mà thôi” - TS Phạm Sanh nhận định.
Còn theo nhiều chuyên gia giao thông khác thì việc phát hiện ra phương tiện chở quá tải bằng cách đặt trạm cân tại các trạm thu phí là một chuyện, còn việc xử lý nó như thế nào, nên phạt nguội hay hạ tải tại chỗ lại là một vấn đề khá phức tạp. Nó ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, trật tự an toàn giao thông. Các chủ doanh nghiệp vận tải cho rằng hiện nay, đa số các chủ doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm việc chở hàng đúng quy định. Tuy nhiên, có một số đơn vị nhỏ, lẻ vẫn cố tình chở quá tải dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, nếu đặt trạm cân tại các trạm thu phí thì tất cả phương tiện dù có muốn “bôi trơn” cũng khó vì hiện nay, để kết thúc một chuyến hành trình thì phải qua nhiều trạm thu phí khác nhau. “Nên tổ chức phạt nguội để tránh ùn tắc tại các trạm thu phí” - chủ một số doanh nghiệp vận tải đề nghị.
Ra quân kiểm tra
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1-1-2016 sẽ kiểm tra, xử lý các hành vi chở hàng quá tải, thay đổi kích thước thùng xe trên địa bàn toàn quốc. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện trên mạng lưới đường bộ và tại các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc bằng trạm cân xe cố định và lưu động..., nhất là các địa phương có nhiều xe vi phạm.
Bình luận (0)