Nạn nhân bị thương nặng nhưng kịp giật chìa khóa xe máy. Kẻ trộm bị người dân tóm cổ, đánh cho một trận thừa sống thiếu chết trước khi giao nộp công an.
Vụ việc xảy ra vào chiều 10-4, thật khủng khiếp. Những trường hợp dã man như vậy nào phải cá biệt mà diễn ra ở rất nhiều nơi, lặp đi lặp lại, luôn có người từ chết đến bị thương và tất cả những hành vi có dấu hiệu tội phạm đó đều nằm ngoài vòng pháp luật.
Lười biếng song muốn có tiền, nhiều thanh niên đi trộm cắp. Biết bao kẻ trộm chó đã trả giá bằng cả tính mạng, mang thương tật suốt đời hoặc phải đi tù nhiều năm nhưng “đồng đạo” vẫn không chừa. Có lẽ do phần lớn số vụ trộm chó đều trót lọt, bị sa lưới rất ít, cách thức ra tay đơn giản lại dễ bán và bán được giá nên kẻ tham vẫn ngựa quen đường cũ.
Nhưng nguyên nhân chính là do luật pháp không nghiêm. Nạn trộm chó liên quan đến tính mạng con người và hàng loạt vấn đề xã hội nhức nhối khác nên đã nhiều lần được đặt lên bàn làm việc của các nhà làm luật với đề xuất phải thay đổi chế tài hành vi này. Cụ thể, nếu chỉ xử phạt hành chính đối với vụ trộm có trị giá tài sản từ 2 triệu đồng trở xuống và không gây hậu quả nghiêm trọng thì chẳng có kẻ trộm chó nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự cả, trừ phi kẻ đó tấn công người khác gây chết người hoặc thương tật trên 11%.
Trong khi đó, luật pháp lại tồn tại và liên tục cho ra đời những quy định phi thực tế, bất khả thi. Ví dụ, Nghị định số 45/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định hành vi hút thuốc lá nơi công cộng bị phạt từ 50.000 đến 100.000 đồng. Nghị định 167/2013/NĐ-CP về chống bạo lực gia đình quy định chồng chửi vợ hoặc vợ chửi chồng có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; đối xử tồi tệ với thành viên gia đình, bắt ăn đói mặc rách... có thể bị phạt tới 2 triệu đồng. Đã nhiều năm áp dụng, chưa ai hút thuốc nơi công cộng hay mắng vợ chửi chồng bị phạt cả! Và đang gây tranh cãi là điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2016) đề nghị truy tố người ngoại tình. Theo hầu hết các luật sư, đây là điều luật “vui là chính”! Và còn hàng loạt quy định được ra đời từ phòng máy lạnh như thế đang nằm im ỉm trong các tủ sách pháp luật.
Trở lại với nạn trộm chó rất phổ biến hiện nay, sau bao lần nâng lên rồi đặt xuống, Bộ Luật Hình sự 2015 dù có quy định chi tiết hơn, nới rộng hơn phạm vi tội “Trộm cắp tài sản” nhưng theo các chuyên gia pháp lý, vẫn không có gì mới đáng kể đối với tội trộm chó. Tiếng gọi khẩn thiết từ thực tiễn cuộc sống chỉ ghé vào ngôi nhà luật pháp như cơn gió thoảng qua và tiếp tục tạo khoảng hở cho hành vi phạm luật.
Luật pháp đã như vậy thì chỉ còn biết trông chờ khi nào kinh tế khấm khá hơn, người dân bớt nghèo hơn thì (may ra) nạn trộm cắp mới có thể giảm đi.
Bình luận (0)