Chiều 14-4, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa đã chủ trì hội nghị giao ban giữa UBND TP với lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận - huyện phụ trách lĩnh vực đô thị lần 1. Đây là lần đầu tiên UBND TP tổ chức cuộc họp giao ban ngay tại địa phương để trực tiếp tháo gỡ những tồn tại trong công tác quản lý đô thị. Hội nghị kéo dài hơn 4 giờ khi các quận - huyện liên tục đưa ra những vướng mắc trong công tác quản lý đô thị trên địa bàn.
Nhiều nhà xây chung một giấy phép
Nổi lên là tình trạng tách thửa phổ biến tại các quận - huyện vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh dẫn đến câu chuyện nhiều căn nhà “mọc” trên một giấy phép xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa (đứng) yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng có giải pháp đề xuất lên UBND TP để quản lý đô thị hữu hiệu nhất
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Thành Khả cho biết trên địa bàn huyện có những trường hợp người dân xin chuyển mục đích một lần 2.000 m2 đất nông nghiệp sang đất ở. Đáng lo ngại là họ chỉ xin một giấy phép xây dựng, sau đó xây dựng nhiều căn nhà rồi đem đi bán nhiều người. Do đó, những người mua nhà cùng đứng tên trong sổ đỏ dưới dạng đồng sở hữu. Theo ông Khả, Quyết định 33 của UBND TP về tách thửa không giới hạn diện tích được chuyển mục đích sang đất ở; trong khi luật hiện nay cũng không quy định đồng sở hữu thì bao nhiêu người là phù hợp và mỗi người được bao nhiêu diện tích? “Điều này làm khó địa phương trong công tác quản lý đô thị. UBND TP nên xem xét lại Quyết định 33” - ông Khả kiến nghị.
Đồng tình, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho rằng việc tách thửa tràn lan sẽ dẫn đến chất lượng nhà ở không bảo đảm mà còn phá vỡ quy hoạch và gây nhiều hệ lụy về mặt xã hội. “Đây là một biến tướng rất phức tạp trong lĩnh vực xây dựng. Nếu cơ quan quản lý không xem xét kỹ việc này để kịp thời chấn chỉnh thì dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, rất nguy hiểm” - ông Tuấn nhìn nhận. Dẫn chứng một trường hợp cụ thể là có những đầu nậu mua đất của nông dân nhưng không sang tên, dùng tên chủ đất cũ rồi chuyển mục đích và xin phép xây dựng thành nhiều căn nhà sau đó bán qua tay nhiều người, ông Tuấn đề xuất không nên cho tách thửa, đồng thời địa phương khi xem xét cấp phép xây dựng phải xem kỹ hồ sơ để ngăn chặn những trường hợp như trên.
Chỉ đạo ngay tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với các đơn vị nghiên cứu để đưa vào quyết định thay thế Quyết định 33. Ông Khoa cho Sở Tài nguyên và Môi trường thời gian 7 ngày để trình UBND TP.
Hoàn tất sớm điều chỉnh quy hoạch
Một thực trạng khác cũng được nhiều địa phương nêu ra tại buổi giao ban là loại đất được quy hoạch là đất dân cư xây dựng mới. Nhiều người dân có đất là đất dân cư xây dựng mới nhưng đang bị đối xử như đất ở trong quy hoạch thực hiện các dự án dù chưa có nhà đầu tư. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng thông tin trên địa bàn huyện có hơn 3.000 ha đất được quy hoạch với chức năng là đất dân cư xây dựng mới. Tuy nhiên, huyện không dám cho chuyển mục đích, tách thửa, cấp phép xây dựng cho dân có đất trong quy hoạch này. Theo ông Hồng, luật không cấm người dân thực hiện các quyền lợi của mình khi dính vào quy hoạch này. Do đó, nếu luật không cấm thì nên cho người dân được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở vì hiện nay ở Bình Chánh nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân rất cao.
Tương tự, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cũng cho rằng đối với các dự án mà sau 3 năm không kêu gọi được nhà đầu tư thì xem như đất xây dựng mới này sẽ là đất dân cư hiện hữu để người dân được xây dựng nhà ở.
Vấn đề này được Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Toàn đồng tình. Theo ông Toàn, đất dân cư xây dựng mới có nhiều chức năng như đất ở, đất công trình công cộng, giao thông, giáo dục… Trong khi chưa có nhà đầu tư thì không cớ gì phải gây khó khăn cho người dân vì đất dân cư xây dựng mới bản chất vẫn là đất dân cư. Do đó, quyền lợi hợp pháp của người dân phải được bảo đảm, đến khi thực hiện dự án thì nhà đầu tư bồi thường cho dân theo quy định.
Một vấn đề khác mà ông Toàn rất đau đầu là đến nay chưa có quận - huyện nào gửi hồ sơ điều chỉnh lại quy hoạch lên sở xem xét để trình TP phê duyệt. Trong khi đó, đến tháng 6-2017 phải báo cáo vấn đề này với HĐND TP. Điều làm ông Toàn buồn hơn nữa là hiện nay 23/24 quận - huyện đã rà soát xong quy hoạch để điều chỉnh lại một số quy hoạch không còn phù hợp nhưng chỉ còn một động tác “gửi” lại chậm thực hiện. Theo ông Toàn, sở đã có 3 văn bản nhắc nhở các quận - huyện vấn đề này nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.
Nghe đến đây, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa chỉ đạo các quận - huyện phải gửi ngay hồ sơ lên Sở Quy hoạch Kiến trúc để TP nhanh chóng xem xét và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ. “Việc điều chỉnh quy hoạch xuất phát từ thực tế cũng như nguyện vọng của người dân. Địa phương nào quá hạn mà chưa làm xong phải chịu trách nhiệm trước dân. Phải làm ngay để bảo đảm quyền lợi cho người dân” - ông Khoa nhấn mạnh.
Không ham được bảo tồn
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa đưa ra một thực tế là người dân không mong công trình của mình được đưa vào diện bảo tồn. Bởi theo họ, khi đưa vô bảo tồn thì muốn sửa cũng sửa không được dù họ bỏ tiền. Mỗi lần muốn sửa là nhiêu khê.
Nhiều biệt thự cổ của người dân không muốn được nằm trong diện bảo tồn vì việc sửa chữa quá nhiêu khê. Ảnh: HOÀNG Triều
Từ đây, ông Khoa đề nghị việc bảo tồn phải tính toán đến bài toán kinh tế cho các hộ dân: Phải là điểm thu hút du lịch hoặc nhà nước bỏ tiền ra sửa chữa, còn không thuộc 2 diện trên thì phải tính lại xem có cần bảo tồn hay không.
Bình luận (0)