Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Cụm trưởng Cụm thi đua 5 TP trực thuộc trung ương năm 2016, cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) của 5 TP và công tác thu ngân sách cao hơn so với cùng kỳ năm 2015, đạt hơn 538.000 tỉ đồng, bằng 48,56% thu ngân sách của cả nước, giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm.
Năm TP đã ký cam kết thực hiện giao ước thi đua trong năm 2017 với những nội dung như tăng cường tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến và nhân tố mới; thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của mỗi TP; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương, ghi nhận thành tựu thi đua của 5 TP với những đóng góp xứng đáng về công tác thu ngân sách, y tế, văn hóa, giáo dục vào sự phát triển chung của cả nước.
Theo ông Nhân, 5 TP cần có đột phá trong quản lý đô thị gắn với đô thị thông minh, chuyển từ quản lý đô thị thủ công sang quản lý đô thị thông minh. “Muốn quản lý đô thị hiện đại một cách hiệu quả không có con đường nào khác là quản lý đô thị thông minh” - ông Nhân khẳng định.
Ông Nhân cũng cho rằng đã là đô thị thông minh thì cần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả phục vụ của chính quyền. Ngoài ra, các TP cần quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh, tăng cường quản lý đô thị thông minh; quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, trật tự lòng lề đường…
Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp nghe dự thảo lần thứ nhất đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh.
Theo ông Tuyến, đề án phải được trình bày với những nội dung gần gũi, sát cuộc sống. Ông Tuyến yêu cầu VNPT từ đề án chung phải có 3 đề án nhánh bắt buộc làm. Đó là đề án về trung tâm dữ liệu, trung tâm ứng cứu an toàn thông tin và chính quyền điện tử, trong đó chính quyền điện tử là ưu tiên hàng đầu. Dự kiến, ngay sau khi được thông qua, TP sẽ tổ chức họp báo công bố đề án. Sau đó, lấy ý kiến người dân trên báo giấy và báo điện tử, đồng thời tổ chức 4 hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hiệp hội về đề án.
Mục đích của cuộc khảo sát là đánh giá mức độ đồng tình của người dân khi TP triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh, đánh giá khả năng đáp ứng của đề án đối với nhu cầu trong từng lĩnh vực để hoàn thiện đề án, đồng thời cung cấp thêm thông tin giúp người dân hiểu thêm về đô thị thông minh.
Trước đó, đại diện VNPT cho biết 3 đối tượng chính được phục vụ trong TP thông minh là chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe... Còn doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo ra niềm tin nơi chính quyền, sử dụng hiệu quả hạ tầng, bảo đảm TP phát triển bền vững, duy trì môi trường tự nhiên…
Bình luận (0)