“Hòn Cau đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh, các anh sẽ không thất vọng khi ra đó đâu!”. Ông Năm, ngư dân chuyên chở du khách ra Hòn Cau - còn gọi là Cù Lao Câu, thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - khẳng định chắc nịch khiến chúng tôi càng thêm háo hức.
Đẹp đến nao lòng
Sau gần 1 giờ trên biển, chiếc tàu cá của ông Năm đã đưa chúng tôi đến hòn đảo hoang sơ, bình dị nhưng đẹp đến nao lòng.
Biết chúng tôi làm báo, ông Năm không cho tàu cập bến ngay mà “khuyến mãi” một vòng quanh Hòn Cau. Tỏ ra am hiểu về hòn đảo này, vừa điều khiển tàu, ông Năm vừa chỉ tay giới thiệu rành rọt từng bãi biển với cát vàng mịn dài tăm tắp, từng khối đá hình thù quái dị nằm chênh vênh…
“Kia là Hòn Chim. Các anh có thấy gì lạ không?” - ông Năm chỉ hòn đá khổng lồ nằm tách biệt với Hòn Cau rồi hỏi. Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông cho biết: “Hòn đá này là nơi các loài chim thường đậu lại sau khi đã bay mỏi cánh. Tới đây, chúng hay xả thải ra, lâu ngày hòn đá có màu trắng đục nên ngư dân gọi tên như vậy”. Lời giải thích thú vị của ông Năm khiến chúng tôi bật cười. Lũ chim nghe động vội đập cánh bay vút ra biển khơi.
Dạo một vòng Hòn Cau theo đường biển, chúng tôi quyết định lên đảo. Như đã hẹn trước, anh Trần Công Lập, Đội trưởng Đội Tuần tra - Kiểm soát Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, đã có mặt để đón khách.
Với thâm niên gần 5 năm công tác về bảo tồn ở Hòn Cau, anh Lập cho biết theo người dân địa phương, sở dĩ có tên Cù Lao Câu là do trước đây có rất nhiều ngư dân hành nghề câu biển quanh hòn đảo này. “Còn nếu nhìn từ trên cao xuống, đảo này trông rất giống hình thù một trái cau nên tên gọi Hòn Cau cũng mang ý nghĩa đó” - anh Lập giải thích.
Theo chân những nhân viên khu bảo tồn đi khám phá Hòn Cau, chúng tôi trải qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hòn Cau có những bãi đá với đủ hình thù kỳ thú và màu sắc biến đổi theo ánh sáng. Hòn Cau có những bãi tắm đẹp hoang sơ như: Tràng Dão, Ăn Cướp, bãi Tiên, bãi Lúa…
“Hòn Cau còn có hang Yến, nơi loài chim yến chọn làm tổ, đẻ trứng; có giếng Tiên, nơi duy nhất trên đảo có nước ngọt…” - anh Nguyễn Trọng Bằng, nhân viên khu bảo tồn, giới thiệu.
Thiên đường rùa biển
Theo anh Bằng, vùng nước xung quanh khu vực Hòn Cau có sự hiện diện sinh thái biển nhiệt đới điển hình, gồm rạn san hô, thảm cỏ biển, các loài động vật quý hiếm như cua núi, cá heo, cá voi… Đặc biệt, hằng năm, hòn đảo này còn là nơi mà loài rùa biển quý hiếm (còn gọi là vích) nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới đua nhau kéo đến sinh sản.
Khu Bảo tồn biển Hòn Cau được thành lập từ năm 2011. Đến nay, nhân viên khu bảo tồn đã tiến hành trợ giúp, cứu hộ, đưa hàng ngàn rùa con và rùa trưởng thành trở về biển an toàn. “Gần 6 năm nay, các bãi trên đảo như Tràng Dão, Ăn Cướp, Mũi Tàu… là những nơi rùa biển thường kéo nhau về làm tổ đẻ trứng. Ngoài việc cứu hộ, bảo vệ rùa biển, chúng tôi còn giúp hàng ngàn quả trứng ấp nở thành công” - anh Lập cho biết.
Theo anh Lập, 2016 là năm rùa biển kéo về Hòn Cau sinh sản nhiều kỷ lục. “Đây là tín hiệu đáng mừng vì đến giờ, hòn đảo này vẫn là chốn bình an của chúng, còn tương lai thì chưa biết thế nào. Hiện chúng tôi chỉ biết cố gắng làm hết sức mình” - anh bày tỏ.
Chị Lưu Yến Phi, đồng nghiệp của anh Lập, cho biết không chỉ rùa biển, nhân viên khu bảo tồn còn bảo vệ hệ san hô, hệ thảm thực vật, cá heo, cá voi… có mặt trên đảo và quanh khu vực Hòn Cau. “Thời gian qua, cá voi và cá heo thường xuyên kéo nhau về gần đảo khiến hệ sinh thái ở khu vực này ngày càng trở nên đa dạng hơn” - chị Phi vui mừng.
“Bão môi trường” lăm le…
Khi câu chuyện về rùa biển còn dang dở, một người trong nhóm chúng tôi bất chợt buông lời bâng quơ: “Dạo này Hòn Cau “nổi tiếng” rồi. Báo chí cũng tốn khá nhiều giấy mực về nó…”. Nghe vậy, anh Lập thở dài.
“Thời gian qua, nào là nhà máy nhiệt điện xin đổ thải gần Hòn Cau, nào là việc xây dựng nhà máy thép gần biển, rồi các dự án nhiệt điện mọc lên ngày càng nhiều… Tất cả đều có thể gây nguy hại đến Hòn Cau” - anh Lập băn khoăn.
Trước đó, vào năm 2015, hệ san hô ở khu vực bãi Trước của Hòn Cau cũng đã có dấu hiệu chết bất thường. Khu Bảo tồn biển Hòn Cau đã phải nhờ Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế giúp di chuyển bãi san hô này ra khu vực khác. Đến nay, sự sống của bãi san hô này chưa biết có hồi phục được hay không thì Hòn Cau lại “run rẩy” trước những cơn “bão môi trường” lăm le ập tới.
“Chúng tôi lo sợ rằng nếu môi trường ở khu vực đảo bị tác động thì chắc chắn loài rùa biển sẽ không về đây nữa. Rùa biển rất nhạy cảm, chỉ cần môi trường bị tác động thì chúng sẽ rời đi ngay” - anh Lập ưu tư.
Rất may, việc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xin phép đổ hơn 1,5 triệu mét khối bùn thải xuống vùng biển gần Hòn Cau đã được tỉnh Bình Thuận kiến nghị trung ương xem xét lại. Còn về việc tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh giảm hơn 1.000 ha diện tích của Hòn Cau vì bị các dự án nhiệt điện chồng lấn cũng đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bác bỏ, yêu cầu xem xét lại toàn diện. Tuy nhiên, những người làm công tác bảo tồn ở Hòn Cau vẫn đau đáu nỗi lo khi mà số phận của hòn đảo này hiện vẫn chưa có hồi kết…
Hòn Cau cách đất liền chừng 7 hải lý, dài 1.500 m và rộng 700 m, là một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam.
Bình luận (0)