Theo nội dung của “Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì đường bộ” thì đến hết năm 2013, tổ chức đấu thầu rộng rãi đối với 11 tuyến quốc lộ (QL); năm 2014, mở rộng việc đấu thầu rộng rãi đối với ít nhất 30% số tuyến QL; từ năm 2015 trở đi, tổ chức đấu thầu rộng rãi đối với tất cả tuyến QL. Đến hết năm 2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành đấu thầu bảo trì đường bộ trên 21.000 km QL.
Loại bỏ cơ chế xin - cho
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ năm 2013 trở về trước, chưa kể chi phí ca máy, phương tiện, thiết bị, khoản chi phí bảo dưỡng, duy tu đường bộ thường xuyên chi trả cho nhân công đường bộ chiếm trên 60%.
Thực tế này biến việc duy tu đường bộ trở thành công trường thủ công. Công tác sửa chữa, duy tu định kỳ rất đặc thù song lại quản lý như đối với xây dựng cơ bản, thủ tục mất rất nhiều thời gian nên không khuyến khích việc ngăn chặn hư hỏng kịp thời, khối lượng phát sinh lớn. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát khối lượng rất khó do không có tiêu chí chất lượng, không có chế tài xử phạt. Điều này khiến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ luôn trong tình trạng xuống cấp, điều kiện làm việc và đời sống công nhân đường bộ khó khăn.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, phân tích mô hình trước khi thực hiện Đề án đổi mới công tác bảo trì đường bộ, một bộ phận lớn doanh nghiệp (DN) làm công tác bảo trì thuộc các khu quản lý đường bộ, có quan hệ cấp trên - cấp dưới. DN quản lý đường bộ khi đó cũng vừa làm công tác quản lý nhà nước vừa làm nhà thầu thi công nên các chức năng, nhiệm vụ không được tách bạch.
Để thay đổi thực trạng này, Đề án đổi mới toàn diện quản lý bảo trì đường bộ ra đời. Từ đề án, vấn đề tổ chức phương thức quản lý, xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở hạ tầng, công tác lập kế hoạch bảo trì, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại... đã được đổi mới triệt để. Nổi bật trong những kết quả sau khi thực hiện đề án này là việc đấu thầu quản lý bảo trì đường bộ.
“Các DN bảo trì được cổ phần hóa, huy động nguồn lực xã hội trong bảo trì. Các DN này muốn tham gia bảo trì đường bộ đều phải qua đấu thầu năng lực, không còn cơ chế xin - cho trước đây. Thực hiện mô hình này, Tổng cục Đường bộ hiện nay đóng vai người đặt hàng và tổ chức đấu thầu, còn DN bảo trì trở thành nhà cung cấp dịch vụ” - ông Điệp lý giải.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khẳng định việc bảo trì đường bộ từ chỗ lạc hậu, thủ công, chủ yếu là chắp vá, đã có bước chuyển mạnh mẽ sau khi thực hiện đề án. “Việc cung ứng dịch vụ công ích về bảo trì đường bộ đã được xã hội hóa đấu thầu cạnh tranh công khai. Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo trì QL đã thay đổi cơ bản. Các đơn vị cung cấp dịch vụ đã tách ra khỏi cơ cấu tổ chức của tổng cục, mối quan hệ giữa tổng cục với các đơn vị này dựa trên cơ sở hợp đồng kinh tế, không còn cơ chế xin - cho hay quan hệ cấp trên - cấp dưới như trước” - ông Huyện cho hay.
Xóa bỏ độc quyền, nhiều doanh nghiệp có cơ hội tham gia bảo trì đường bộ thông qua đấu thầu. Trong ảnh: Công nhân sửa chữa, bảo trì trên quốc lộẢnh: Trần Duy
Minh bạch, tiết kiệm vốn
Thừa nhận hiệu quả của việc đổi mới công tác bảo trì, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, khẳng định từ năm 2014 đến nay, việc bảo trì đường bộ đã có tiến bộ rõ rệt. DN bảo trì đã áp dụng mạnh khoa học - kỹ thuật, máy móc hiện đại hơn.
“Vì thế, chất lượng mặt đường tốt lên, bảo đảm sạch đẹp, êm thuận cho người tham gia giao thông. Đường tốt thì vận tải sẽ nâng cao được năng suất phương tiện, chạy nhanh hơn, an toàn hơn” - ông Thanh bày tỏ.
Theo ông Lê Hồng Điệp, việc đổi mới công tác bảo trì đường bộ trong hơn 3 năm qua thực hiện đúng tinh thần xã hội hóa những lĩnh vực mà nhà nước không cần làm, tạo điều kiện cho các DN giao thông không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực. Ông Điệp cho hay Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương vừa đấu thầu trên 1.480 tỉ đồng vốn bảo trì thường xuyên cho các DN thực hiện trong 3 năm, từ 2015-2017, tiết kiệm được trên 82 tỉ đồng cho quỹ.
“Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, thông qua hình thức đấu thầu, các DN có một sân chơi bình đẳng, minh bạch vốn bảo trì, trúng thầu đến đâu làm đến đó” - ông Điệp quả quyết.
Còn ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, cho hay trong năm 2016 đã giao hơn 7.529 tỉ đồng cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sửa chữa định kỳ và duy tu bảo dưỡng. Đồng thời, đã phê duyệt phương án phân bổ năm 2016 về 63 quỹ địa phương là hơn 2.476 tỉ đồng để triển khai sửa chữa 263 tuyến đường, hỗ trợ các địa phương với tổng kinh phí là 369,4 tỉ đồng.
Tính đến hết năm 2016, các cơ quan được giao nhiệm vụ bảo trì đường bộ đã hoàn thành công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa hệ thống QL. Trong đó, đã sửa chữa được 289 cây cầu; cải tạo 106 điểm đen tiềm ẩn gây tai nạn giao thông; đã điều chỉnh, thay thế 94.315 biển báo, cọc tiêu gắn phản quang; bổ sung, sơn các vạch sơn tim đường bằng sơn phản quang màu vàng hơn 1.200 km.
Phải công khai trên truyền thông cho dân biết
Tại cuộc họp mới đây của Bộ Giao thông Vận tải về kiểm soát nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, nhấn mạnh từng đồng vốn thu chi của quỹ cần minh bạch, công khai để người dân biết tiền của mình đóng vào quỹ nằm ở đâu, sử dụng ra sao. Tới đây, những DN bảo trì sẽ công khai vốn bảo trì đường bộ trên các phương tiện truyền thông để người dân, người sử dụng phương tiện chia sẻ với nhà nước trong việc thu phí.
Bình luận (0)