Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) về quan điểm của Bộ Nội vụ cho rằng lương của khối cán bộ công chức hiện nay rất khó khăn khi lương đến cấp Bộ trưởng cũng chỉ 14,4 triệu đồng/tháng, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói: “Tôi xin nói thẳng rằng thực chất là nguồn thu nhập ở Việt Nam là một lĩnh vực không kiểm soát được trong khi các nước họ đều quản lý rất chặt về việc này, thông qua cơ chế tài chính, giao dịch tài chính… Do vậy gần như ai cũng có thể hiểu lý do vì sao người Việt Nam thường dùng cụm từ ghép “lương” đi với “lậu”, “lương” đi với “bổng”. Tức là có rất nhiều yếu tố thu nhập khác mà rõ ràng không có ai sống thật bằng đồng lương cả, kể cả người lao động bình thường cho đến những quan chức ở cấp bậc cao nhất cũng vậy. Tôi chưa nói đến những yếu tố tiêu cực mà chỉ cần xem ở những khoản thu nhập được coi là chính đáng, chính thức hiện nay thì tôi nghĩ cũng đến mức ổn rồi”.
Trước ý kiến cho rằng ngoài lương, Bộ trưởng còn có chế độ đảm bảo việc đi lại, xe cộ, nhà ở…, ông Dương Trung Quốc cho rằng không nên có một khoảng cách quá lớn so với toàn dân. Như ở các nước, Bộ trưởng cũng có thể là một nhà tư bản, một người làm kinh doanh. Họ cũng không sống bằng lương mà bằng nhiều nguồn thu nhập khác. Họ cũng có thể là một chính khách chuyên nghiệp và sống bằng nghề này của mình nhưng không có nghĩa chỉ là lương công chức của họ. Nguồn thu có thể đến từ các đảng phái, các tổ chức xã hội và những việc đó được công khai.
Ông Dương Trung Quốc thẳng thắn: “Việt Nam rất khác vì thế nếu căn cứ vào nước ngoài để lập luận rồi đòi tăng lương thì lại sinh ra những bất cập xã hội khác. Những phương tiện làm việc của Bộ trưởng thì nên tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ có thể phát huy hết khả năng cho công việc nhưng còn lương thì nên có chuẩn mực nhất định, tỷ lệ tương xứng với khối cán bộ công chức còn lại trong bộ máy. Lương không phải là nguồn duy nhất của thu nhập và người ta có thể sống được mà không cần có lương”.
Về việc Singapore trả lương rất cao cho Bộ trưởng, ông Dương Trung Quốc bình luận: “Việt Nam rất khác Singapore ở đây có tăng lương mấy thì người ta cũng vẫn vậy thôi, năng lực người ta như vậy, người ta vẫn làm như thế, ta phải xem trên hiệu quả mới đúng. Có thể là ông Lý Quang Diệu tính trả lương Bộ trưởng theo hiệu quả công việc chứ còn ta, có cơ chế nào để tính toán như vậy không, để đong đo được hiệu quả công việc của Bộ trưởng hay chỉ là cảm giác”.
Đại biểu Dương Trung Quốc góp ý việc tăng lương quá cao cho Bộ trưởng về tâm lý, tạo ra mức chênh lệch quá lớn trong xã hội cũng khó, kể cả về thực tế hay thậm chí là thực dụng đi nữa với xã hội vẫn còn đòi hỏi sự công bằng là không hợp lý.
Khó kiểm soát thu nhập
Đại biểu Dương Trung Quốc lo ngại tình trạng tiền mặt hoá và công khai tài sản hình thức như hiện nay. Khi công khai toàn bộ tài sản, thu nhập của Bộ trưởng thì có thể xác định ngay nguồn thu nhập đó là hợp pháp hay không hợp pháp và nếu hợp pháp không lý gì người ta không thể nhận, Bộ trưởng càng giàu càng tốt chứ có gì xấu đâu.
Ông Quốc cho rằng dư luận phản ứng với thông tin lương Bộ trưởng cũng khó sống thì phải đặt vấn đề thế nào là “sống”? Ví dụ lương của Bộ trưởng 15 triệu đồng/tháng, rõ ràng là thấp vì luật còn cho phép lương của một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước dưới quyền quản lý của Bộ trưởng tới vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng.
“Nhưng tại sao lương thấp vậy người ta vẫn muốn làm Bộ trưởng. Tôi chỉ thấy chắc chắn một điều là thu nhập của họ rất cao. Cứ trông cách sống của họ là biết họ thu nhập rất cao rồi. Vậy nên nói “khó sống” người dân phản ứng là phải, khi thu nhập người lao động bình thường là 2-3 triệu đồng/tháng, công chức như chúng ta cũng chỉ 4-5 triệu đồng/tháng thôi người ta vẫn sống thì 14-15 triệu đồng/tháng sao bảo là khó”- ông Quốc phân tích.
Bình luận (0)