Theo kết quả điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, tỉnh này có tổng trữ lượng tiềm năng khai thác nước ngầm trên 6 triệu m3/ngày. Nguồn nước ngầm có tổng lưu lượng khai thác hiện hơn 420.000 m3/ngày. Do khai thác quá mức, dự báo trong tương lai, nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cạn kiệt.
Những khu vực không có nguồn nước ngầm khai thác sử dụng được do nhiễm mặn, nhiễm phèn và chưa có hệ thống nước nối mạng luôn thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Theo thống kê, trên 2.300 hộ dân đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt; chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển, Thới Bình. Vào mùa khô, nhiều hộ dân phải ngày đêm thay phiên nhau canh ghe nước đi ngang qua để mong mua được nước sạch với giá đắt đỏ.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, cho biết để bảo vệ, phát triển tài nguyên nước ngầm một cách bền vững, sở đã lập phương án xử lý, trám lấp 2.145 giếng khoan hư hỏng, không sử dụng với nguồn dự trù kinh phí hơn 6 tỉ đồng. Sở cũng công bố quy hoạch cụ thể nơi nào được phép, nơi nào cần hạn chế và nơi nào cấm triệt để khai thác nguồn nước ngầm; đồng thời quản lý chặt chẽ tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm.
Riêng tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định Cần Thơ có 3 dự án phát triển TP thích ứng với BĐKH. Cụ thể là dự án nâng cấp đô thị TP (dự án 1) và dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - tiểu dự án TP Cần Thơ (dự án 2). Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3) đã triển khai vào ngày 3-6-2016 góp phần tăng cường khả năng chống chịu của TP trước những nguy cơ về ngập lụt và ảnh hưởng từ việc đô thị hóa nhanh; đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý đô thị cho TP Cần Thơ thích ứng với BĐKH.
Từ những năm 2000, người dân tại cù lao Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) bắt đầu trồng cây bần để giữ đất do nơi đây sạt lở nghiêm trọng. Hiện nay, diện tích trồng và tự nhiên thống kê được trên 260 ha. Nhờ đó, các loài thủy sản xuất hiện trở lại và sinh sôi dưới tán rừng, tạo được môi trường sống ổn định…
Cũng cách làm tương tự, ở các xã Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc và thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) cũng mọc lên những cánh rừng phòng hộ vừa bảo vệ biển vừa giúp người dân nuôi các loài thủy sản có giá trị bên trong rừng để tăng thu nhập.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ:
Không thể kiểm soát!
Trong 6 yếu tố thách thức đến nguồn nước tại ĐBSCL, có 5 yếu tố chúng ta có thể thích ứng và ngăn chặn gồm: BĐKH và nước biển dâng, gia tăng dân số và di dân, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, thay đổi sử dụng đất, suy giảm chất lượng đất - nước - không khí. Riêng yếu tố đập thủy điện thượng nguồn và chuyển nước thì không thể kiểm soát được.
Nhà báo Adam Hunt Christopher, Mạng lưới báo chí Trái đất:
Phục hồi độ che phủ của rừng
ĐBSCL phải tự thích nghi để bảo đảm an ninh nguồn nước. Cụ thể, ĐBSCL phải phục hồi lại độ che phủ của rừng và phát triển miệt vườn, thực hiện đô thị hóa thông minh và phát triển các TP thích ứng với BĐKH, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dừng khai thác cát và nước ngầm một cách vô tội vạ…
Ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia độc lập về quản lý lưu vực sông:
Tuân thủ cam kết sẵn có
Cần đẩy mạnh vai trò của các tổ chức ngoài nhà nước trong việc cung cấp các dữ liệu thực tế về thực trạng sử dụng tài nguyên nước trong khu vực, thúc đẩy các thảo luận mở, tiếng nói từ các cộng đồng chịu tác động. Các bên liên quan trong câu chuyện hợp tác sông Mê Kông, một mặt cần nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết sẵn có, đồng thời tiếp tục tìm kiếm giải pháp thay thế. Trong đó bao gồm việc thiết lập các cơ chế chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm trong vấn đề sử dụng nước sông Mê Kông.
Bình luận (0)