Hậu quả của sụt lún đất đáng lo ngại hơn rất nhiều so với các dự báo về rủi ro do biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Đó là nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội thảo “Vấn đề sụt lún ở ĐBSCL - Thách thức và giải pháp tương lai”, do Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) tổ chức tại TP Cần Thơ, ngày 21-3.
Khai thác nước ngầm quá mức
Tại hội thảo, ông Tom Kompier, Bí thư Thứ nhất về tài nguyên nước và Khí hậu (Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam), phân tích ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là ảnh hưởng của BĐKH, nước biển dâng, sự phát triển thủy điện ở thượng nguồn và sụt lún do khai thác quá mức nước dưới đất. Sụt lún làm phá hủy cơ sở hạ tầng, gia tăng rủi ro do lũ, mất đất nông nghiệp và giảm sức sản xuất vùng ngập nước, xói lở vùng ven biển, thay đổi sự phân bố dòng chảy trên hệ thống sông, xâm nhập mặn nước mặt và nước ngầm.
GS Piet Hoekstra, Trường ĐH Utrecht, thông tin: “Qua khảo sát cho thấy hiện nay nước ngầm ở ĐBSCL ngày một giảm do con người khai thác làm đất ngày càng sụt lún vì không còn lượng nước làm đối trọng”. Qua quan sát từ vệ tinh cũng cho thấy mỗi năm ĐBSCL sụt lún từ 1-2 cm, đặc biệt vùng duyên hải sụt lún từ 2-4 cm.
Ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh này có 6 nhà máy nước nhưng đều khai thác nước ngầm, chỉ một nhà máy sử dụng nước mặt nhưng trong mùa khô độ mặn cao nên trong năm nhà máy chỉ hoạt động phân nửa thời gian. Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, đặc biệt trong mùa khô 2015 và đầu năm 2016, do tác động của hạn hán và xâm nhập mặn gây thiếu nước sản xuất nên nông dân tại một số huyện, thị xã của Sóc Trăng khoan giếng khai thác nước dưới đất tưới lúa và nuôi thủy sản.
Mùa khô năm 2016, trên đường nối 2 xã Khánh Bình - Khánh Bình Đông thuộc huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) xuất hiện sụt lún kinh hoàng. Đường về trung tâm xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) cũng lún 2 m, đứt đoạn giao thông hoàn toàn.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh này có 87 điểm sụt lún mặt đường. Đường liên huyện hư hại hàng chục điểm, nặng nhất là ở huyện Trần Văn Thời. Đến thời điểm hiện tại, Cà Mau đã có trên 16,5 km đường bê-tông và 35 km đường nhựa hư hại. Ước tính chi phí sửa chữa tạm thời trên 110 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số có lẽ không dừng lại ở đó vì những điểm đường bỗng dưng “biến mất” xuất hiện ngày càng nhiều.
Tái cấp nước
Nghiên cứu của Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) cũng cho thấy Cà Mau đang trong xu hướng sụt lún mạnh. Con số từ nghiên cứu của đơn vị này cao hơn so với nghiên cứu của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam.
Cụ thể, kết quả báo cáo sơ bộ của NGI cho rằng Cà Mau có thể sụt lún nghiêm trọng trên bề mặt xuất phát từ hoạt động bơm nước mặt của 109.096 giếng nước với tổng lượng nước bơm là 373.000 m3/ngày. Nếu chia lượng nước khai thác được cho tổng diện tích của tỉnh Cà Mau (khoảng 4.350 km2) thì kết quả là tốc độ lún hoặc sụt theo thứ tự là 1,9-2,8 cm/năm.
Nghiên cứu của NGI còn chỉ ra trong 15 năm (1998-2013), tốc độ sụt lún mặt đất ở Cà Mau là 30-80 cm, dự báo trong vòng 25 năm tới sẽ tăng lên 90-150 cm và 210 cm trong vòng 50 năm tới.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân sụt lún ở Cà Mau là do việc bơm nước ngầm ở những nơi có đất sét mềm, dễ bị nén liên kết với tầng đất sâu hơn hoặc tầng sỏi. Điều này làm cho diện tích đất tự nhiên mất dần, xói mòn bờ biển tăng do bờ biển chìm, rừng ngập mặn suy giảm dẫn đến xói mòn mạnh hơn và dâng sóng khi có bão, tăng độ mặn của nước trong kênh rạch và sông, xâm nhập mặn vào tầng nước ngầm... Ngoài ra, các dữ liệu thu được từ vệ tinh cho thấy bờ biển Cà Mau bị thụt vào từ 100-1.400 m trong 20 năm qua. Đánh giá sơ bộ cho thấy sụt lún có thể đã lên đến 30-70 cm ở nhiều nơi.
GS Piet Hoekstra cho rằng để hạn chế sụt lún thì việc nên làm là hạn chế khai thác nước ngầm và tái cấp nước cho tầng ngầm nhưng việc này đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc.
Theo ThS Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ, trước năm 1985, tại Nhật Bản sụt lún rất nặng do khai thác nước ngầm và dầu khí. Từ năm 1985, Chính phủ Nhật Bản cấm khai thác nước ngầm nhưng mãi đến năm 2000 tầng nước ngầm mới chững lại và đến nay thì mực nước ngầm mới tăng lên.
Hiện nay, ĐBSCL không còn diện tích đất lớn để trữ nước nên nhiều nhà khoa học khuyến cáo cần khôi phục vùng đất ngập nước, vận động người dân đào sâu kênh rạch sẵn có để trữ nước mưa, nước lũ để dùng trong mùa khô. Từ đây, sẽ hạn chế việc khai thác nước ngầm.
Cần cấm khai thác nước ngầm
Hiện TP Cần Thơ có chủ trương cấm khai thác nước ngầm nhưng các địa phương khác vẫn cho khai thác. Do đó, theo ông Kỷ Quang Vinh, phải có chủ trương từ trung ương, cấm khai thác nước ngầm từ hộ gia đình cho tới từng địa phương và phải làm điều này ngay bây giờ, nếu chậm trễ thì phải cần đến 10 hay 20 năm nữa mới khôi phục được tầng nước ngầm.
Bình luận (0)