Ngày 16-6, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với tờ trình và dự thảo nghị quyết của HĐND TP về đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030".
Xe máy vẫn là phương tiện khó xóa bỏ ở nội thành Hà Nội
Theo tờ trình, TP hiện có 5.255.245 xe máy, 485.955 ô tô các loại, trên 1,2 triệu xe đạp và trên 11.000 xe đạp điện, xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10%-15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2016 là 10,2% đối với ô tô và 6,7% đối với xe máy, trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân chiều dài đường bộ là 3,85%. Nếu đồng thời hoạt động 60% số ô tô, xe máy trên đường với vận tốc 20 km/giờ thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần năng lực của hệ thống giao thông đường bộ gây ùn tắc giao thông, đồng thời gia tăng ô nhiễm môi trường.
Tờ trình nêu rõ Hà Nội có lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, TP triển khai 3 giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2018: tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải; giai đoạn đến năm 2020: thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện và phát triển vận tải hành khách công cộng; giai đoạn đến năm 2030: thực hiện các giải pháp bảo đảm các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.
Tại hội nghị, các chuyên gia nhận định mục tiêu đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy ở các quận nội thành là không phù hợp thực tế. PGS-TS Nguyễn Quang Toản cho rằng xe máy là loại hình giao thông chiếm đến 70%-80% thì thực tế không ai dừng và cấm được. Hạn chế xe cá nhân là đúng nhưng cấm xe máy trong tương lai gần là không thể, vẫn phải dùng. Do vậy, dùng từ "cấm hay hạn chế xe máy" hiện nay sẽ gây bức xúc xã hội.
GS-TS Nguyễn Viết Trung nói chỉ tiêu năm 2030 cấm xe máy là không thể đạt được vì thời gian còn quá ngắn, lộ trình này cần dài thêm. Việc hạn chế xe máy còn 10% tổng lượng vận chuyển là hợp lý. Xe máy là phương tiện vận chuyển thực phẩm hàng hóa cung cấp đến khắp các địa phương nhỏ lẻ mà ô tô không thể tiếp cận được. Muốn tiến tới hạn chế xe máy hết mức có thể thì nên tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng để người dân sử dụng trên quãng đường ngắn. Đến năm 2030, hệ thống xe buýt cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đi trên đoạn đường xa của người dân, quãng đường ngắn như đi chợ, đưa con đi học vẫn phải dùng xe đạp, xe máy.
GS-TS Bùi Xuân Cậy cho rằng các quận nội thành nhiều ngõ chỉ xe máy, xe đạp vào được, trong khi xe buýt không thể bao phủ khắp mọi nơi. Do vậy, nói bỏ xe máy là vấn đề rất khó giải thích.
Phải có lộ trình
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết đề án sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển giao thông công cộng, tuyên truyền cho người dân. Nếu không đưa ra được lộ trình, thời gian địa điểm thì cơ quan chức năng không thể đưa ra kế hoạch để làm và bố trí đầu tư ngân sách. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết những ý kiến đóng góp sẽ được MTTQ TP tổng hợp trình lên kỳ họp HĐND TP khóa tới.
Bình luận (0)