Sáng 26-5, tại buổi tọa đàm về giao thông đô thị bền vững do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức, TS Jen Jung Eun Oh, trưởng nhóm giao thông của WB tại Việt Nam, cho rằng giao thông ở Việt Nam có đặc thù nhiều xe máy. Xe máy thuận tiện trong điều kiện giao thông của Việt Nam song nguy cơ mất an toàn cao và chịu ảnh hưởng tác động của thời tiết, đặc biệt trong những ngày thời tiết nóng nực. Bà Eun Oh cho rằng để giao thông công cộng trở thành thói quen của người dân, cần tạo hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối nhịp nhàng, phương tiện giao thông công cộng có thể đưa ra nhiều thuận lợi và có thể đi tới đích nếu đúng cách.
TS Jen Jung Eun Oh (bìa trái) và ông Khuất Việt Hùng (giữa) tại buổi toạ đàm
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng đặc thù quan trọng nhất ở Việt Nam là đô thị hoá trên nền tảng xe máy, điều này khác hoàn toàn với đô thị tương đối truyền thống, có ô tô rồi xuất hiện xe máy. Theo nghiên cứu do chính ông Hùng tham gia tiến hành vào năm 2004, có tới 80% dân nội thành Hà Nội ở trong những ngôi nhà được tiếp cận đường dưới 5 m, đến năm 2009 kết quả khảo sát cũng không khả quan hơn. "Người ta đang sống trong tư duy xe máy. Tâm thế đi xe máy có trong cả quy hoạch và xây dựng. Không chỉ đơn thuần là câu chuyện xe máy thuận tiện hơn cho người sử dụng mà nó in đậm trong tư duy của người dân và cả người quản lý"- ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết bên cạnh việc chịu ảnh hưởng bởi thời tiết thì đi xe máy rõ ràng nguy cơ tai nạn cao hơn. 30% tai nạn do người lái ô tô gây ra nhưng 90% người bị nạn là người đi xe máy.
Nếu giá dịch vụ phải chăng và tần suất giao thông công cộng dày hơn thì người đi sẽ nhiều hơn. Điều quan trọng nhất trong phát triển giao thông công cộng ở Việt Nam là không ngay lập tức thay thế toàn bộ xe máy mà trước tiên là thay đổi những chuyến đi dài, không chỉ thay đổi trong lõi của giao thông ở trung tâm các mà cả các tuyến ven đô thị. "Trong đô thị, nếu giờ cao điểm cứ 3-5 phút/chuyến thì lượng người đi xe buýt sẽ tăng"- ông Hùng đánh giá.
Bà Eun Oh và ông Khuất Việt Hùng cùng cho rằng muốn xe buýt có chỗ đứng thì hạ tầng dành riêng cho xe buýt là không thể tránh khỏi. "Ở Việt Nam, làn xe buýt bằng vạch sơn sẽ không bao giờ có hiệu quả, vì không lực lượng CSGT nào có thể cưỡng chế được vi phạm của xe máy"- ông Hùng khẳng định.
Bình luận (0)