Trong ngày thảo luận thứ hai tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề Vinashin tiếp tục được phân tích sâu.
Biết sai nhưng đành chịu!
Đăng đàn giải trình về cơ chế giám sát Vinashin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh dẫn hàng loạt văn bản pháp luật và nghị định, nghị quyết của Chính phủ để thuyết phục rằng Vinashin đã được giám sát ngay từ thời gian đầu tiên hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế.
Tuy nhiên, “vấn đề” của Vinashin chỉ được phát hiện sau khi đã xảy ra sai phạm. Chẳng hạn, Chính phủ không đồng ý cho mua tàu mà phải đóng trong nước nhưng khi Thủ tướng có văn bản, Vinashin đã mua rồi!
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: Năm 2008, thực hiện giám sát đầu tư tại các địa phương và doanh nghiệp Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phát hiện tại Vinashin có hiện tượng dự án tự quyết định đầu tư còn lớn hơn quy mô dự án phải xin chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Biết vậy nhưng “không làm gì được” vì luật cho phép HĐQT được quyết định đầu tư dự án bằng nửa số vốn. Sau này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phê bình Bộ Kế hoạch - Đầu tư phát hiện vấn đề nhưng không kiên trì theo dõi.
“Công tác giám sát đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước thực hiện không đầy đủ do lỗ hổng cơ chế” - Bộ trưởng Võ Hồng Phúc kết luận.
Vá lỗ hổng cơ chế
Trước những lo lắng về tình hình tài chính ở Vinashin, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng tổng tài sản trên sổ sách của Vinashin khoảng 103.000 tỉ đồng, tổng nợ 86.000 tỉ đồng là chưa mất vốn chủ sở hữu. Nếu không sòng phẳng, có thể vì sự việc của Vinashin sẽ làm lùi tư duy đổi mới phát triển doanh nghiệp.
Chia sẻ ý kiến này, ĐB Trần Bá Thiều (Hải Phòng) cho rằng sai phạm ở Vinashin là bài học cay đắng trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm mô hình tập đoàn kinh tế.
Dù vậy, đang có xu hướng phản ánh một chiều trong khi thực tế tại Vinashin không đến mức quá u ám vì có những con tàu vẫn được đóng mới xuất xưởng, còn sai phạm vẫn được xử lý nghiêm minh.
Để bịt lỗ hổng như Vinashin, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị: Chính phủ không bảo lãnh, chỉ định cho vay tất cả đối với tất cả các doanh nghiệp; tất cả doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn lớn phải công khai tài chính như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán; Quốc hội sớm ban hành Luật Kinh doanh vốn Nhà nước.
Kinh tế đã “ấm”, xã hội còn “nóng”
ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng VN chặn được suy giảm kinh tế, đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2010 và nhiều khả năng tiếp tục duy trì được tăng trưởng trong năm sau, chứng tỏ kinh tế VN ổn định hơn kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, một số bất ổn vĩ mô đang bộc lộ rất rõ, cụ thể là cung - cầu ngoại tệ đang ở mức cảnh báo, nhập siêu kéo dài.
Nếu như các chỉ tiêu về kinh tế đều được thực hiện đạt và vượt mức kế hoạch đề ra thì một số chỉ tiêu về xã hội, đặc biệt là các chỉ tiêu về môi trường đều chưa đạt được.
ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) thẳng thắn: “Trật tự xã hội còn nhiều vấn đề, cuộc sống người dân chưa thực sự bình an. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là vấn đề con người mà gốc rễ là giáo dục, cách bố trí con người không khoa học. Cơ chế chức vụ gắn với quyền lực hơn là trách nhiệm nên có chuyện chạy chức...”.
ĐB Y Ngọc (Kon Tum) cho rằng hiện tượng trẻ em tụ tập băng nhóm, đua xe, vô lễ với thầy cô, giết cả bố mẹ... đã đến mức báo động do buông lỏng, yếu kém quản lý trong giáo dục. Vấn đề này phải được khắc phục qua công tác đổi mới giáo dục thật hiệu quả. |
Bình luận (0)